Ngày 18/6, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 93 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh 3 mục tiêu chính là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, và kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công nước ngoài.
Nghị quyết nhấn mạnh 4 phương châm, đó là theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh.
Nghị quyết 93 cũng nêu ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Điểm nhấn của chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, đó là mới đây Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 64 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024.
Đây quả là 1 tin vui cho doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh. Đây là năm thứ 5 kể từ năm 2020 chính sách này được đưa ra và áp dụng để nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Và ngay cả thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh đi qua đã lâu, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi.
Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2024
Hiểu đơn giản là thay vì phải nộp thuế đúng hạn, thì chính sách gia hạn sẽ giúp doanh nghiệp, người dân có thể nộp muộn hơn từ 2 đến 5 tháng tùy từng loại thuế. Đây được ví như là 1 khoản vay ngắn hạn, mà doanh nghiệp, người dân không phải chịu lãi suất nào, để giúp giảm bớt gánh nặng tài chính. Nghị định 64 cho phép gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng cho quý 2 năm nay. Đối với thuế GTGT thì hộ kinh doanh và doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 9. Còn đối với tiền thuê đất thì sẽ được gia hạn 50% số tiền phát sinh phải nộp cho 2 tháng cuối năm là tháng 11 và tháng 12. Về đối tượng gia hạn, thì trừ các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng ra thì các ngành nghề còn lại đều là đối tượng được thụ hưởng.
Doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau hơn 4 năm thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế
Mặc dù thời gian gia hạn năm nay ít hơn so với các năm trước, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hộ kinh doanh đều bày tỏ sự phấn khởi và cho biết đây sẽ là động lực hỗ trợ để họ có thêm động lực tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tại công ty TNHH Lam Sơn, 1 doanh nghiệp chuyên về sản xuất phụ tùng cho ô tô, xe máy. Từ năm 2020 cho đến nay, doanh nghiệp đã liên tục được thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, với số tiền trên 20 tỷ đồng. Nhờ số tiền này mà doanh nghiệp có thêm số vốn tạm thời để sản xuất kinh doanh.
Một con robot tự động, nó có giá hơn 1 tỷ đồng. Hơn 4 năm qua, doanh nghiệp đã sử dụng số tiền từ gia hạn nộp thuế chưa phải đóng ngay, để mỗi năm sắm sửa thêm 1 con robot, để tăng năng suất lao động.
Ông Đặng Thế Nguyện – Giám đốc Công ty TNHH Lam Sơn cho hay: “Trong những ngày Covid thì chúng tôi rất vả, để vượt qua thì nhờ chính sách của Chính phủ kịp thời, chúng tôi đã bổ sung được nguồn vốn, đầu tư thêm trang thiết bị. Trong đó có trang thiết bị tự động hóa, để giảm sức lao động cho công nhân. Qua gia hạn thuế trong hơn 4 năm qua, chúng tôi đã đầu tư được 5 con robot, năng suất tăng từ 1,7-1,8 lần so với ngày trước. Và thu nhập của người lao động cũng được nâng lên”.
Với công ty in bao bì VPC, thì việc gia hạn các loại thuế trong hơn 4 năm qua đã giúp doanh nghiệp được sử dụng hơn chục tỷ đồng chưa phải nộp ngay để đổi mới trang thiết bị. Chiếc máy in 6 màu được doanh nghiệp nhập về từ Nhật Bản với giá 36 tỷ đồng.
“Khi nhập máy in về thì đơn hàng của chúng tôi tăng lên rất nhiều. Cụ thể trong năm 2023 chúng tôi doanh thu 188 tỷ. Năm 2024 dự kiến sẽ đạt 200 tỷ. Dự kiến thuế GTGT mà chúng tôi nộp thêm là 3 tỷ, và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên 1,5 tỷ”, bà Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Tài chính, Công ty cổ phần in và bao bì VPC cho biết.
Còn với các hộ kinh doanh, vốn mỏng thì với họ mọi sự hỗ trợ dù chỉ là nhỏ nhất cũng đáng quý.
“Trong lúc khó khăn như này mà Chính phủ ra Nghị quyết đó thì bà con rất phấn khởi. Một quý cũng nộp khoảng mười mấy triệu, vì đang khó khăn mà lo nộp thuế cũng là vấn đề”, bà Nguyễn Thị Tuyết – Hộ kinh doanh tại TP Hà Nội chia sẻ.
Ông Cao Văn Thắng – Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Đông Anh, TP Hà Nội cho biết: “Doanh nghiệp hộ kinh doanh trên địa bàn khi được gia hạn thuế thì đã sử dụng tiền thuế gia hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không phải tính lãi. Như vậy, doanh nghiệp đã có được nguồn lực tài chính, chủ động, ngay tức thời không phải vay ngân hàng. Đây là điều kiện cho sự phát triển và tăng trưởng sau này của doanh nghiệp”.
Ước tính, riêng tại TP Hà Nội, dự kiến theo Nghị định 64 thì người dân, doanh nghiệp sẽ được gia hạn nộp thuế khoảng gần 13.000 tỷ đồng.
Người dân, doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế 84.000 tỷ đồng
700.000 tỷ đồng, đây là tổng gói hỗ trợ giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành để gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp. Chính sách tài khóa này đã thực sự có hiệu quả, khi vài năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã đang dần phục hồi. Minh chứng bằng việc các năm qua, thu ngân sách Nhà nước đều vượt dự toán. Trong đó, nguồn thu đến từ sản xuất, kinh doanh đang ngày càng lớn.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng ước tính, tổng gói chính sách giãn hoãn thuế và tiền thuê đất từ giờ tới cuối năm nay là khoảng 84.000 tỷ đồng. Việc duy trì một chính sách tài khóa liên tục suốt hơn 4 năm qua, đã cho thấy sự lắng nghe và đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với doanh nghiệp. Đây sẽ là động lực quan trọng không chỉ cho tăng trưởng kinh tế lúc này mà còn cho các năm tiếp theo.
Ước tính tổng gói chính sách giãn hoãn thuế và tiền thuê đất từ giờ tới cuối năm là 84.000 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT là 52.000 tỷ đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp 27.000 tỷ đồng. Tiền thuê đất 3.000 tỷ đồng, và thuế hộ kinh doanh là 450 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết đang triển khai nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp, doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách gia hạn đúng, đủ, kịp thời.
Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Cơ bản những cái này chúng ta đã thực hiện 4 năm qua. Ngành thuế cũng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của ngành, để tạo điều kiện đơn giản nhất các thủ tục. Chính sách này hỗ trợ người dân có nguồn lực tạm thời để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhưng tới cuối năm sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách, không ảnh hưởng kế hoạch thu ngân sách của năm 2024”.
“Trong vòng tròn khép kín đó thì thấy tác động đến sản xuất, đến doanh nghiệp, tác động chung đến xã hội, nó rất tốt. Ai cũng mong muốn được điều đó. Gói giải pháp theo Nghị quyết 43 là gói giải pháp có hiệu quả nhất trong tất cả gói giải pháp về thuế mà Quốc hội và Chính phủ đã xử lý”, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho hay.
Lũy kế thu ngân sách 5 tháng đầu năm nay ước đạt trên 898.000 tỷ đồng, bằng 52% dự toán. Trong đó, thu nội địa tăng gần 17% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy việc sản xuất kinh doanh trong nước vẫn đang đà ổn định và tăng trưởng so với năm 2023.
Một giải pháp trọng tâm trong chính sách tài khóa mở rộng được nêu tại Nghị định 93, đó là Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 2% cho 6 tháng cuối năm nay. Dự kiến chính sách này sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào tuần sau tại, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Nếu được Quốc hội thông qua thì đây có lẽ sẽ là “cú hích” mới tiếp theo cho doanh nghiệp, người dân để tích cực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đúng theo tinh thần của Nghị quyết 93 của Chính phủ.