Giá gas bán lẻ trong nước tăng tháng thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
Giá gas bán lẻ trong nước tháng Ba tiếp tục được điều chỉnh tăng kể từ hôm nay 1/3; như vậy giá gas bán lẻ trong nước đã tăng tháng thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng Ba này tại thị trường Hà Nội là 460.740 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.842.760 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 2.640 đồng/bình 12kg và 10.560 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT) so với tháng trước.
Ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh Gas dân dụng và thương mại thuộc Tổng Công ty Gas Petrolimex, cho biết mặc dù hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng Ba này ở mức 635 USD/tấn, không thay đổi so với tháng trước nhưng do biến động tỷ giá nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ban Mai Việt Nam, hiện nguồn cung gas nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên giá gas trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế. Mặc dù giá nhập khẩu gas thế giới theo hợp đồng (giá CP) cho tháng Ba này chính thức chốt ở mức 635$ bằng với tháng trước nhưng tỷ giá USD/VND tăng nên giá gas tháng Ba trong nước được điều chỉnh tăng khoảng 1.000 đồng/bình 6kg, tăng 2.000 đồng/bình 12kg và tăng 8.000 đồng/bình 45kg.
Với biến động nhẹ của giá gas tháng Ba này, việc tiêu dùng gas cho nấu nướng có thể không quá lớn đối với các hộ gia đình. Tuy nhiên, đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống như quán ăn, nhà hàng, các trung tâm cung cấp suất ăn công nghiệp, trại gà và bệnh viện – nơi tiêu thụ lượng gas lớn, việc theo dõi sát sao và tận dụng mọi cơ hội mua giá sỉ là rất quan trọng.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Hai (ngày 29/2), giá CP giao tháng Tư với gas tự nhiên giảm 0,43% xuống mức 1,86 USD/mmBTU. Giá khí đốt bán theo tiêu chuẩn châu Âu vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong khoảng ba năm, chủ yếu do nhu cầu giảm và tồn kho cao hơn so với dự báo, trong khi thời tiết lạnh và sản lượng năng lượng tái tạo giảm.
Theo Tom Marzec-Manser, người đứng đầu phân tích khí đốt toàn cầu tại ICIS, nhu cầu khí đốt toàn cầu có thể vẫn sẽ cao hơn nguồn cung cho đến khi các dự án sản xuất gas tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới từ Qatar và Mỹ bắt đầu hoạt động vào năm 2026.
Tại châu Á, giá gas đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm do nhu cầu yếu ở cả châu Á và châu Âu tạo áp lực giảm giá. Giá gas giao ngay tại châu Á đã giảm gần 30% kể từ đầu năm do nhu cầu suy giảm và dồi dào tồn kho ở cả Đông Á và châu Âu.
Theo Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt GECF (tổ chức liên chính phủ hiện gồm 19 quốc gia thành viên của các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới), năm 2024, nhu cầu LNG thế giới dự kiến tăng 1,5% và có thể lên đến 22% vào năm 2050.
GECF cảnh báo về khả năng giá LNG giao ngay sẽ tăng cao kỷ lục và biến động mạnh ở cả thị trường châu Âu và châu Á.