Khách hàng sinh hoạt sử dụng 500kWh, tiền điện tăng thêm 55.600 đồng
Từ 9/11 giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 4,5% từ 1.920,37 đồng lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Đánh giá tác động với khách hàng sinh hoạt, EVN cho biết: khách hàng sử dụng từ 50kWh, tiền điện tăng thêm là 3.900 đồng; khách sử dụng 100 kWh, tiền tăng thêm 7.900 đồng; khách hàng sử dụng 200kWh, tiền tăng thêm 17.200 đồng; khách sử dụng 300 kWh, tiền điện tăng thêm 28.900 kWh; dùng 400 kWh, tiền tăng thêm 42.000 đồng và khách sử dụng 500kWh, tiền tăng thêm là 55.600 đồng.
Liên quan đến tác động của tăng giá điện có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho biết: Chính phủ vẫn hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách xã hội. “Chúng tôi đánh giá tác động, đối tượng người nghèo và người yếu thế sẽ tác động nhiều nhất khi giá điện tăng. Tuy nhiên, đa phần khách hàng này sử dụng điện dưới 50kWh và theo Quyết định 28 của Thủ tướng, Chính phủ hỗ trợ số tiền tương đương với 30 kWh điện đối với hộ nghèo với điều kiện họ sử dụng dưới 50kWh/tháng” – ông Dũng nói.
Đối với hộ sử dụng nhiều điện, đại diện EVN cho rằng sẽ chịu tác động. Song, đây là đối tượng có thu nhập khá, nên cũng tác động không lớn.
Tuy nhiên, khi đón nhận thông tin giá điện tăng, nhiều người dân, DN cho biết, họ rất lo lắng vì đang vào thời điểm cuối năm, nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng cao nên việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động lớn.
Bà Trần Ánh Tuyết (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tiền điện gia đình luôn ở mức xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng, cao điểm lên đến 1,4 triệu đồng. “Nhà chỉ có 3 người, hai vợ chồng đi làm cả ngày, con trai 5 tuổi cũng đi học mẫu giáo, nhưng cuối tháng nhận hóa đơn tiền điện vẫn cao. Chuẩn bị bước sang mùa đông, thời tiết lạnh còn phải bật nóng lạnh, rồi sấy quần áo nữa, giá điện tăng tiếp như vậy, tiền điện sẽ đội lên thêm nữa, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình” – bà Tuyết nói.
Chị Phan Kim Liên (quận Mai Động, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói, tiền điện hàng tháng của gia đình khoảng 2 triệu đồng, giờ tăng giá điện thì không còn ở mức đó nữa.
Anh Trần Thiên Tâm – Giám đốc điều hành một công ty cơ khí ở Bình Dương đưa ra con số tính toán, hiện tại mỗi tháng tiền điện của công ty dao động quanh 80 triệu đồng, chiếm 2% tổng chi phí DN.
“Giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận. Giá thành sản phẩm cũng sẽ phải khác. Song đây cũng là cơ hội để DN cải tiến các chi phí đầu tư, cơ hội áp dụng kỹ thuật cao” – anh Tâm nói.
Ông Lê Hoàng – chủ cửa hàng ăn uống ở Hà Nội cho biết, mỗi tháng gia đình dùng hơn 10 triệu đồng tiền điện cho việc kinh doanh. Giá điện tăng tiếp 4,5%, tương đương tăng thêm khoảng 400 – 500.000 đồng/tháng. Đây cũng là con số đáng kể trong việc kinh doanh của gia đình.
Một số ý kiến cũng lo ngại, giá điện tăng thì hàng hóa sẽ “té nước theo mưa”. Nhà nước phải có chính sách tổng thể để bình ổn mặt bằng giá. Trước hết là yêu cầu tất cả DN đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của DN, tránh tình trạng điện tăng thì DN cũng tăng giá thành sản phẩm tương ứng, thậm chí cao hơn. Đồng thời cần có giải pháp tránh lợi dụng việc tăng giá điện để lôi kéo các mặt hàng ở thị trường, chợ dân sinh, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…
Tiếp tục phát triển năng lượng điện tái tạo
Điện năng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Giai đoạn mùa khô 2023, cả nước đã chứng kiến việc thiếu điện, ngừng cung cấp điện luân phiên, DN gặp khó khi phải dừng sản xuất, không kịp tiến độ trả đơn hàng. Cũng trong thời điểm đó, các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả được tuyên truyền và ứng dụng mạnh mẽ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, giá điện tăng là kết quả của nhiều nhân tố trong đó quan trọng là các yếu tố đầu vào đều tăng, như giá dầu thô, giá than. Bên cạnh đó do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của ElNino nên đóng góp của thủy điện vào sản xuất ngành điện nói chung thấp đi. Ngành điện buộc phải huy động thêm các nguồn điện khác chạy từ dầu, than, khí.
Theo ông Doanh, khi giá điện tăng thêm 4,5% thì ngành điện có thêm một khoản thu nhưng thực ra ngành điện thời gian qua cũng rất khó khăn. Việc chia sẻ khó khăn với ngành điện cũng là hợp lý. Thực ra, giá điện thấp sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định các chỉ số kinh tế, tuy nhiên người sử dụng không có động lực thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng.
“Khi giá điện tăng chắc chắn tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, cho DN và cả người dân, đòi hỏi DN và người dân phải chấp nhận và phải tiết kiệm. Song về lâu dài chúng ta phải triển nguồn năng lượng tái tạo. Chúng ta có tiềm năng gió, mặt trời… Đây là vấn đề mà ngành năng lượng của Việt Nam cần phát triển trong thời gian tới” – ông Doanh nói.
Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Quang Vinh – đại diện Công ty Tầm Nhìn Việt cho rằng, tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn, nếu không, cả trong sinh hoạt và sản xuất sẽ không có ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều cũng sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm; đồng thời cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo tự dùng như điện mặt trời mái nhà.
Còn theo, GS. TS Hoàng Xuân Cơ – Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Bộ Công thương cần tính toán cả giá thành điện gió và giá thành điện mặt trời ở những khu vực có tiềm năng, tìm ra khoảng giá trị từ đó ước tính và đề xuất Chính phủ định mức hỗ trợ (qua giá mua điện) hợp lý. Không chỉ vậy, giá điện tăng cao được các chuyên gia đánh giá có thể thu hút đầu tư của khối tư nhân vào các dự án nguồn điện, giúp đảm bảo an ninh năng lượng; thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm điện.