Việc mua hàng trực tuyến kéo theo nhiều thói quen khác, như việc nhờ shipper giữ hàng hoặc thả hàng vào nhà mình; sau đó shipper sẽ gửi tin nhắn về thông tin chuyển khoản; chỉ cần nhận được tin nhắn của shipper, người mua liền chuyển tiền.
Lợi dụng thói quen này, các đối tượng đã giả danh shipper để chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Lừa chồng lừa
Khoảng 10 giờ sáng 5-7-2024, bạn Kim Oanh (21 tuổi, Đà Nẵng) đã bị “lừa chồng lừa” gần 8 triệu đồng. “Shipper” nhắn thông tin chuyển khoản, sau đó gọi hối thúc: “Em chuyển khoản đơn hàng nhanh để anh còn đi đơn khác”, theo thói quen, Kim Oanh chuyển tiền ngay mà không kiểm tra thông tin hàng.
Hình ảnh ghi lại quá trình đối tượng giả mạo “Giao hàng nhanh” lừa bạn Kim Oanh.
Hai phút sau, Kim Oanh nhận thêm cuộc gọi của “shipper” rằng “anh xin lỗi, anh gửi nhầm số tài khoản công ty, gửi tiền vào đó đồng nghĩa với việc đăng ký thành công trở thành hội viên, mỗi tháng sẽ bị khấu trừ 3,5 triệu đồng, nếu không có tiền sẽ bị nợ xấu”.
Sau đó, Kim Oanh nhận được từ “shipper” đường link giả “Chăm sóc khách hàng của Giao hàng nhanh”.
Hoảng loạn và lo lắng, Kim Oanh vội bấm vào link. Liền sau đó, bộ phận có tên Giao hàng nhanh gọi điện, chỉ dẫn Kim Oanh hủy hội viên bằng cách chuyển đổi tài khoản cá nhân thành tài khoản doanh nghiệp. Cách thực hiện là đăng nhập App ngân hàng, nhập mã xác thực XXXXX vào phần số tiền chuyển, giữ nút chuyển tiền trong 3 giây, sau đó ấn chuyển tiền.
Trên thực tế, hành động này đồng nghĩa với việc chuyển tiền bình thường. Kim Oanh bán tín bán nghi nhưng cô vẫn ấn giữ nút chuyển tiền. Kết quả không chuyển thành tài khoản doanh nghiệp, tiền vẫn mất. Shipper còn gọi cô, lớn tiếng: “Em không làm theo anh hướng dẫn à?”.
Suy sụp, khoảng 15 phút sau, một người xưng trưởng phòng Giao hàng nhanh gọi điện cho Kim Oanh hứa sẽ giúp lấy lại tiền. Đầu dây bên kia xôn xao tiếng người như thể người này đang ở phòng làm việc; có tiếng trách mắng “thằng shipper này làm việc như thế này là không xong rồi”. Kết quả sau đó, Kim Oanh lại mất thêm tiền. Lúc này, Kim Oanh mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã bị lừa.
Một trường hợp khác, khoảng 16 giờ ngày 8-7-2024, bạn N.Y (21 tuổi, Đồng Nai, sinh viên tại TP.HCM) cũng bị đối tượng giả danh shipper từ đơn vị vận chuyển Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) lừa 3,6 triệu đồng.
Trong tháng 7-2024, bạn T.U (17 tuổi, Quảng Ninh) hay bạn L.D (30 tuổi, TP.HCM) cũng gặp trường hợp lừa đảo tương tự nhưng may mắn là kịp dừng lại khi đối tượng yêu cầu ấn giữ mã xác nhận. Chiêu lừa cũng y hệt chiêu đã khiến Kim Oanh sập bẫy.
Nhiều người chia sẻ việc bị lừa bởi hình thức này trên các hội nhóm Facebook có tên GHTK và cộng đồng người dùng mạng Threads.
Kịch bản thao túng tâm lý hoàn hảo
Khi kể lại chuyện bị lừa, cả bốn nạn nhân đều bày tỏ sự bất lực, bực tức và oan ức. Kim Oanh tâm sự: “Cả buổi sáng hôm đó, mình như bị thôi miên. Cảm xúc mình hoàn toàn phụ thuộc vào từng lời nói, hành động của bọn chúng. Từ vội vàng chuyển tiền khi bị hối thúc, lo lắng và sợ hãi khi nghe tin mình sắp bị nợ xấu, đến hoảng loạn vì mất tiền triệu do hệ thống báo lỗi.
Mình ức nhất là lúc mình gần như suy sụp ấy thì cuộc gọi của người xưng là trưởng phòng như một tia hy vọng cứu vớt. Anh ta chỉ trích cách làm việc của nhân viên, thấu hiểu cho cuộc sống khó khăn của sinh viên. Với tâm lý muốn lấy lại tiền, mình hoàn toàn nghe theo”.
“Là một người làm việc về lĩnh vực truyền thông, mình đọc rất nhiều vụ lừa đảo trên mạng rồi nhưng không hiểu sao lúc ấy vẫn bị mất cảnh giác” – L.D kể.
với , Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý đời sống, khẳng định đây chính là thủ đoạn dựng kịch bản để thao túng tâm lý. Phần lớn người thao túng hiểu rõ tâm lý và điểm yếu của người bị thao túng. Trong trường hợp này, mục đích của những cuộc gọi chủ yếu đánh vào nỗi sợ căn bản của con người: Sợ mất tiền, sợ pháp luật, sợ mang tiếng, sợ nợ nần, sợ mất danh dự…
Theo Ths Dương Thị Thu Hà, khi gặp các trường hợp đáng ngờ như trên, để xử lý một cách hiệu quả và an toàn, người bị lừa cần bình tĩnh hít thở, thay đổi trạng thái cơ thể để lấy lại tỉnh táo, không để mình bị cuốn theo những lời đe dọa. Sau khi thoát khỏi trạng thái hoảng loạn, bạn có thể lên mạng đọc để biết thêm thông tin. Hiện có quá nhiều trường hợp bị thao túng và thiệt hại rất nhiều tiền; nghĩ về những tin tức trên mạng và hãy nghi ngờ; chia sẻ và hỏi thêm người thân, bạn bè để họ hỗ trợ giải quyết vấn đề này, tuyệt đối không giấu làm một mình.
Mạnh tay xử lý hành vi vi phạm bảo mật dữ liệu
Thời gian qua, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan hành vi bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn tại Việt Nam đã bị đấu tranh, xử lý.
Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên gần 1.300 GB, với hàng tỉ dữ liệu cá nhân, trong đó nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Ngày 17-4-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trường hợp vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự.
Kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi
Kịch bản lừa đảo được dựng lên một cách tinh vi, nhưng nguồn cơn khiến cho nhiều người mất đi cảnh giác, rơi vào vòng xoáy bị lừa, lại đến từ sự thấu hiểu không ngờ của đối tượng về thông tin, thói quen mua sắm của từng người. Điều này đặt ra dấu hỏi cho vấn nạn rò rỉ thông tin cá nhân người dùng.
Đây là nỗi bức xúc của nhiều người, trong đó có đào tạo bảo mật của ECCouncil, ThS Phạm Đình Thắng. Ông Thắng bày tỏ: “Với tôi, lộ thông tin cá nhân là vấn đề khiến tôi rất bức xúc. Thông tin người dùng không được bảo mật một cách toàn vẹn, từ thông tin cơ bản như họ tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh… đến thông tin về sự vật, sự việc xảy ra hàng ngày trong đời sống người dân như giao dịch ngân hàng, mua hàng…
Có những giao dịch chỉ mới diễn ra thôi mà ngay sau đó đã có người gọi, nói ra những thông tin rất sát, khiến nhiều người tưởng họ là một. Tôi rất băn khoăn không biết nó đến từ đâu, rò rỉ như thế nào”.
Cũng theo ông Thắng, tình hình mua bán thông tin dữ liệu cá nhân trên mạng hiện nay diễn ra rất phức tạp, tràn lan. Một trong những nguyên nhân chính là sự rò rỉ thông tin khách hàng từ các .
“Mong cơ quan chức năng sớm tìm ra được giải pháp rõ ràng và toàn diện, từ khâu tiếp nhận, khâu xử lý đến khâu đưa ra trước pháp luật, trừng trị mạnh tay những kẻ lừa đảo này” – ThS Phạm Đình Thắng nhấn mạnh.
Một số chiêu lừa thịnh hành
Một số thủ đoạn lừa đảo mà tội phạm sử dụng cao thường dùng:
– Giả danh cơ quan pháp luật, lãnh đạo, nhân viên ngân hàng, cán bộ viễn thông;
– Mạo danh công ty tài chính, bảo hiểm xã hội;
– Gọi điện khủng bố;
– Lấy thông tin CCCD;
– Lừa đảo trúng thưởng, cho số đề để đánh;
– Hack Facebook;
– Làm nhiệm vụ qua ứng dụng lạ;
– Mua bán hàng trực tuyến;
– Chuyển tiền nhầm để ép vay;
– Tìm người làm việc nhà, tuyển cộng tác viên;
– Lập sàn giao dịch ảo;
– Lừa nâng cấp SIM 4G;
– Chuyển tiền làm từ thiện…
Hình thức và thủ đoạn lừa đảo sẽ đa dạng và ngày càng khó lường. Sắp tới việc sử dụng công nghệ trong các giao dịch sẽ phổ biến hơn nữa; từ việc mua bán, trao đổi thông tin cho tới thực hiện thủ tục hành chính. Trong khi đó, kênh online là kênh chúng ta dễ bị giả mạo thông tin, bị lừa đảo tấn công đơn lẻ hoặc có hệ thống…
Để đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân, mỗi người cần chủ động phòng tránh bằng việc trang bị kiến thức, tìm hiểu các tình huống lừa đảo, không làm việc với nguồn thông tin chưa rõ ràng…
Về phía cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp nhằm nâng cao nhận thức, phổ quát kiến thức về an toàn thông tin cho người dân; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về bảo mật dữ liệu.