Vẫn phải bay sang nước khác rồi vòng lại xin visa
Chính sách visa mới của Việt Nam với nhiều điểm thông thoáng, có hiệu lực từ 15/8/2023, đã góp phần không nhỏ trong việc gia tăng lượng khách quốc tế. Nhờ đó, năm qua Việt Nam đón được trên 12,6 triệu lượt khách, vượt mục tiêu 8 triệu lượt, và lần đầu tiên trong tháng 1/2024 vượt cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, chính sách visa của Việt Nam vẫn đang là điểm yếu so với những cải tiến vượt trội của các quốc gia láng giềng. Trong cuộc đua đón khách quốc tế, đây đang là rào cản khiến họ không sẵn sàng lựa chọn Việt Nam.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, giám đốc một công ty inbound tại Hà Nội, kể rằng, công ty ông có bà khách Hy Lạp, visa vào Việt Nam một tháng, chồng bà là người Đức được miễn visa 45 ngày. Đến cuối tour, ông chồng bất ngờ bị xảy chân phải nhập viện điều trị ở Việt Nam hơn 1 tháng. Trong khi, bà vợ đến hạn phải xin visa mới. Oái oăm là, bà bắt buộc phải bay ra khỏi Việt Nam (sang Campuchia), rồi sau đó vào lại bằng visa mới. Khách vừa tốn kém, vừa mệt mỏi.
“Tội cho họ quá, phải bay đi bay lại. Đây là điều rất bất cập”, vị lãnh đạo bày tỏ.
Ông cho hay, rất nhiều khách châu Âu, Bắc Mỹ có nhu cầu du lịch Việt Nam từ 14 ngày đến cả tháng. Việc tăng thời gian lưu trú cho khách được miễn thị thực lên 45 ngày là vô cùng hữu ích, từng bước kích thích khách dành nhiều thời gian tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mới có công dân 13 quốc gia được áp dụng miễn thị thực đơn phương, thời gian lưu trú 45 ngày. Do đó, vị giám đốc kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt thực hiện miễn thị thực nhập cảnh hơn, tăng số ngày lưu trú càng lâu càng tốt.
“Tại Việt Nam, visa vẫn là rào cản đầu tiên khiến khách không sẵn sàng đến với chúng ta”, ông bày tỏ.
Giám đốc công ty du lịch inbound trên phân tích, chính sách bao giờ cũng phải đi trước và có tính dự báo xa để đón đầu xu hướng đi du lịch của những tệp khách muốn khám phá Việt Nam dài ngày, đi lại nhiều lần. Rất nhiều khách đi kết hợp 3, 4 nước như Việt Nam – Lào – Campuchia – Thái Lan. Họ thường lập trước kế hoạch ít nhất 6 tháng đến cả năm. Do đó, chính sách nhập cảnh mới cần được công bố sớm để không mất cơ hội.
Ông dẫn chứng mới đây có một nhóm khách Oman nhờ hỗ trợ làm visa. Họ apply evisa vào Việt Nam từ 22/2, khách tự làm trực tuyến trước một tuần mà không nhận được thị thực. Phía doanh nghiệp cũng không hỗ trợ lấy visa cho khách được nên họ chuyển hướng đi Thái Lan nhờ được cấp thị thực ở sân bay của Thái một cách dễ dàng.
Như vậy, Việt Nam mất đi cơ hội đón một nhóm khách tiềm năng chỉ vì vấn đề visa. Đây là vấn đề không mới, từng đã xảy ra trước đó khi Việt Nam chưa điều chỉnh chính sách thị thực. Tuy nhiên, rõ ràng hạn chế là vẫn còn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holding, khi trả lời báo giới, cho rằng, Việt Nam mới đổi một lần về chính sách visa (tháng 5/2023, hiệu lực từ 15/8/2023), còn Thái Lan đã thay đổi 17 lần và họ đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để hút khách, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Còn Việt Nam duy trì chính sách visa khá trung tính, thuận lợi hơn trước dịch nhưng so với yêu cầu của khách thì chưa đáp ứng được.
“Việt Nam đang tỏ ra hụt hơi trong chính sách về visa. Điều này tạo ra áp lực, làm cho cạnh tranh điểm đến của Việt Nam khó khăn hơn so với khu vực, nhất là việc thu hút khách Trung Quốc”, ông nói.
Nên đẩy nhanh cấp visa tại cửa khẩu
Vị giám đốc công ty trên nhận xét, Việt Nam xếp sau Campuchia, Lào, Thái Lan khi chính sách nhập cảnh của họ cực kỳ thông thoáng.
Hầu hết công dân các nước từ lâu đã được nhập cảnh vào Campuchia, Lào mà không cần xin bất cứ giấy tờ gì trước. Khi đến sân bay của Lào, Campuchia, khách chỉ cần nộp 46 USD (tại Lào) hay 35 USD (Campuchia) là được cấp visa. Không mất phí trung gian.
Thái Lan cũng vừa cho phép khách làm visa on arrival (cấp thị thực tại cửa khẩu), không yêu cầu phải xin giấy phép chấp thuận trước và miễn thị thực cho rất nhiều quốc gia (nhiều hơn Việt Nam).
Còn tại Việt Nam, có thể nói chúng ta không có visa on arrival. Trường hợp khách không kịp lấy visa phải xin giấy xét duyệt chấp nhận qua công ty làm dịch vụ trước khi khách lên máy bay. Ông đánh giá, chính sách nhập cảnh của nước ta nhìn chung còn rất chặt chẽ.
Mới đây, tại Chỉ thị 08, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế, báo cáo trong quý II/2024”. Nhưng theo vị giám đốc này, cần sửa đổi chính sách ngay để không lãng phí cơ hội.
Trong khi đó, bà Bùi Băng Giang – Giám đốc công ty lữ hành Asia Exotica Việt Nam (đơn vị chuyên đón khách inbound chi trả cao là thị trường nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), cũng cho rằng, dễ dàng và thuận tiện nhất là làm visa on arrival (không phải xin giấy chấp thuận) khi đó khách mới vào Việt Nam nhiều hơn.
Bà nhận xét, thị thực điện tử (evisa) dù thuận tiện hơn giấy xin chấp nhận visa trước đây, nhưng giao diện chưa đẹp, chưa thuận tiện và dễ hiểu với khách. Khi có thắc mắc, khách không có email hoặc số điện thoại để được hỗ trợ. Các công ty du lịch muốn giúp khách cũng không biết gọi bộ phận nào của cơ quan cấp evisa để hỏi. Phần thông tin liên lạc của cơ quan cấp thị thực còn yếu.
Vì thế, từ quan sát của những người thực tế làm trong ngành và so sánh các nước trên thế giới, trong khu vực, bà Giang kiến nghị cần cải tổ mạnh mẽ về chính sách thị thực mới thúc đẩy được du lịch.
Theo bà, Việt Nam nên miễn visa cho nhiều quốc tịch hơn, như Mexico, Colombia, Argentina, Brazil, Peru, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada, Úc… Đây là các thị trường có khả năng chi trả cao, ngoài các thị trường trọng điểm đã được miễn thị thực tại châu Âu.
Bên cạnh đó, cần áp dụng cách làm đơn giản nhất là visa on arrival (có danh sách quốc tịch được áp dụng rõ ràng, có hộ chiếu còn hạn,… ) và làm trực tiếp tại cửa khẩu (như cách Campuchia và Lào kể trên). Việc khuyến khích visa cho độ tuổi về hưu có tích lũy cũng là ý hay cần xem xét nghiên cứu.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, chính sách về visa đã có những thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn là cần có một loạt giải pháp đồng bộ, như tạo hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn…