Hành trình băng đèo, vượt núi, vượt sóng mang điện lưới quốc gia về các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi là hành trình đầy gian nan, vất vả nhưng cũng nhiều ý nghĩa. Điện được thắp lên không chỉ là ánh sáng mà còn mang tới niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân ở những vùng gian khó. Điện về đã thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những hiệu quả này không thể đo đếm đơn thuần bằng kinh tế.
Tết này xóm vùng cao không còn phải thắp đèn dầu
Đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, niềm vui của 30 hộ dân ở xóm Lũng Pèng, xã Huy Giáp (Bảo Lạc, Cao Bằng) sẽ được nhân lên bởi từ ngày 24-11-2023, dòng điện lưới quốc gia đã đến.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đặng Chòi Phin, Trưởng xóm Lũng Pèng cho biết: “Ước mong có điện từ bao đời nay của người dân trong xóm đã trở thành hiện thực. Trước đây khi chưa có điện lưới quốc gia, người dân trong xóm Lũng Pèng phải thắp đèn dầu hoặc đốt lửa trong nhà. Gia đình nào có điều kiện hơn thì mua máy phát điện đặt dưới khe suối tận dụng dòng chảy để phát điện sử dụng trong sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn điện này yếu, không ổn định, mùa khô suối cạn không đủ nước chạy máy. Có điện lưới quốc gia, người dân được tiếp cận với văn hóa, thông tin, học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt rõ được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.
Trở lại bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng (Nậm Nhùn, Lai Châu) những ngày cuối năm, trong tiết trời mùa đông, không còn không khí vắng lặng của bản vùng cao nghèo xác xơ. Giờ đây, trong những ngôi nhà, có tiếng đài, ti vi, tiếng nhạc xập xình phát ra; tiếng ồn ào từ máy xay xát gạo. Trẻ em được học bài dưới ánh điện, được tiếp xúc với máy vi tính… Những đổi thay này có được là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của ngành điện. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Cà Văn Ngoan, Trưởng bản Nậm Cầy tràn ngập niềm vui. Ông cho biết, vào cuối tháng 3-2023, ước mơ có điện lưới quốc gia của 110 hộ dân trong bản đã thành hiện thực. Điện về, cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều. Nhiều gia đình đã mua được ti vi, tủ lạnh, quạt điện và máy nông nghiệp… Đây là những thứ rất cần cho cuộc sống và phục vụ sản xuất.
Giờ đây, khi trở về các tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang…, đứng trên những đỉnh dốc ở các thôn, xóm, bản, làng, phóng tầm mắt, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những hàng cột điện vững chãi băng qua núi cao, vực sâu, địa hình hiểm trở để đưa điện lưới quốc gia về thắp sáng. Điện không chỉ về với miền núi mà còn vượt sóng, vươn xa ra đảo. Bắt đầu từ đảo Cát Hải (Hải Phòng) vào năm 1991, hành trình vượt sóng đưa điện ra đảo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đến với các huyện đảo của mọi miền Tổ quốc, như: Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang) và huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)… Đến nay, 11/12 huyện đảo, 100% số xã đảo trên toàn quốc đã có điện. Những đường dây điện chạy dài hút tầm mắt, như sợi chỉ ở giữa trời nhưng là sợi dây bền chặt thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng cao, vùng sâu, vùng xa với các vùng khác.
Mục tiêu xóa vùng trắng điện lưới quốc gia
Vào thời điểm năm 1997, điện lưới quốc gia mới được cung cấp đến 426/470 huyện, đạt tỷ lệ 90,6%; 63,2% số xã; 50,76% số hộ dân nông thôn cả nước; còn hơn 30 triệu người chưa được sử dụng điện. Đến năm 2010, cả nước đã có 100% số huyện có điện, năm 2018 có 100% xã có điện và đến năm 2019 có 99,47% hộ dân có điện, trong đó 99,18% hộ dân nông thôn có điện. Tính đến hết năm 2020, trên toàn quốc có 99,3% số hộ dân nông thôn có điện. Theo Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, việc cung ứng điện tại các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa trên cả nước luôn là vấn đề đầy thách thức đối với EVN. Nhưng đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng được EVN chú trọng thực hiện. Bởi thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo động lực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà còn góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển, đảo của Tổ quốc.
Nhìn lại chặng đường bền bỉ đưa điện thắp sáng các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo của Tổ quốc, có thể thấy, điện khí hóa nông thôn luôn là vấn đề đầy thách thức đối với Chính phủ và ngành điện. Khó là bởi, trong khi ngân sách eo hẹp thì đây là những dự án cần nguồn vốn lớn, việc thiết kế, thi công kéo điện ở miền núi, địa hình phức tạp, các đảo xa bờ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật cao, trong khi người sử dụng lại ít. Thực tế tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, bà con thường sống thưa thớt, có dự án kéo điện cả chục ki-lô-mét chỉ cho vài chục hộ dân sử dụng. Hóa đơn tiền điện/hộ gia đình nhiều khi chưa tới 20.000 đồng/tháng, trong khi để thu được tiền, nhân viên điện lực phải đi nửa ngày mới tới nơi, nên việc cân đối hiệu quả kinh tế với ngành điện thật khó khăn.
Điện lưới quốc gia đã vươn tới, bao phủ nhiều bản, làng heo hút nhất, với mong ước cải thiện đời sống kinh tế của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Thế nhưng, tính đến hết năm 2020, trên toàn quốc vẫn còn khoảng 0,7% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện. Mặc dù tỷ lệ số hộ dân nông thôn cần cấp điện không nhiều nhưng đây là những trường hợp đặc biệt khó khăn, bởi nằm ở vùng sâu nhất, xa nhất của Tổ quốc. Cùng với đó, số hộ dân sống thưa thớt, rải rác, nằm quá xa lưới điện quốc gia nên đầu tư cấp điện có chi phí lớn, suất đầu tư cao, khó huy động và điều tiết được nguồn vốn để đầu tư đồng bộ, dàn đều giữa các vùng, miền. Thế nhưng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng được Đảng, Nhà nước giao phó, ngành điện đang nỗ lực cao nhất với mục tiêu xóa vùng trắng điện lưới quốc gia, để không ai bị bỏ lại phía sau.