Ồ ạt xuất ngoại vì kỳ nghỉ dài
Vừa chuyển khoản hơn 40 triệu đồng cho một công ty du lịch “ruột” thanh toán tour tàu biển 5 ngày 4 đêm đi Malaysia – Singapore từ mùng 3 đến mùng 7 tết, chị Thanh Hiền (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) vội chuẩn bị đồ đạc ra sân bay để về Hà Nội. Kỳ nghỉ tết kéo dài cả 3 tuần, chị Hiền quyết định sẽ trở lại TP.HCM sớm hơn mọi năm để 2 vợ chồng son thực hiện chuyến du xuân đầu năm mới.
Ban đầu, chị Hiền tính đi Đà Lạt tránh nóng, nhưng sau khi hỏi một vài homestay quen đều bị báo hết chỗ, một vài điểm còn chỗ thì phòng hơi nhỏ và giá báo cao gấp đôi ngày thường nên chị lo ngại tình trạng đông đúc tại những điểm đến “hot”. Được người quen giới thiệu tour giảm giá, vợ chồng chị đã chọn tour tàu biển hành trình Malaysia – Singapore.
“Thật ra tôi đã đi Malaysia, Singapore nhiều lần rồi, chồng tôi thì muốn đi Thái Lan, nhưng vừa sang Thái Lan đợt Tết dương lịch xong, giờ không lẽ quay lại? Đi những tuyến xa hơn thì làm visa không kịp, lại hên xui. Thôi thì đi đổi gió, trải nghiệm thử tour tàu biển xem sao. Lúc đầu tôi chọn Đà Lạt là vì đã 6 năm rồi chưa đi, thấy bạn bè đăng ảnh nhiều cũng muốn quay lại thử, chứ bình thường lễ, tết tôi tuyệt đối không đi du lịch trong nước. Đông lắm! Đà Lạt cũng hết phòng đấy thôi. Có thời gian du xuân thì cứ sang mấy nước gần, vừa vui mà giá so ra có khi còn rẻ hơn”, chị Thanh Hiền nói.
Kỳ nghỉ tết dài, bên cạnh việc chọn tour xuất ngoại, các tour nội địa cũng thu hút nhiều người.
Cũng giống chị Hiền, anh Trần Lâm (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng đã nhiều năm chọn xuất ngoại du lịch mỗi kỳ nghỉ lễ, tết vì tâm lý sợ quá tải các điểm đến trong nước. “Mỗi địa phương sẽ chỉ có một số điểm đến hot nên chắc chắn dịp tết, mọi người sẽ đổ dồn về đó. Ví dụ đi cáp treo chờ nửa ngày chưa tới lượt, hàng quán thì không phục vụ nổi vì quá tải. Đi ngắm cảnh không được, ăn uống cũng không xong. Rồi tàu xe, cái gì cũng đắt. Gia đình tôi thường né đi chơi trong nước mỗi dịp cao điểm. Năm nay tôi không đi chơi, chỉ về quê thôi. Tới tháng 3 mới có kế hoạch đi du lịch, lúc đó tình hình điểm đến trong nước “hạ nhiệt” thì cũng có thể tính toán đi loanh quanh đâu đó, Phú Quốc hoặc Quy Nhơn…”, anh Lâm chia sẻ.
Lo dịch vụ quá tải, giá tăng cao cũng là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người Việt chọn xuất ngoại du xuân. Ghi nhận từ Công ty Du lịch Việt, dự báo lượng khách mua tour Tết Nguyên đán 2024 tăng khoảng 30% so với năm trước. Đến nay, công ty đã hoàn thành hơn 90% chỉ tiêu kinh doanh tết, trong đó, các tour outbound hầu hết đã “khóa sổ”.
Tour du lịch cao cấp “nâng lên hạ xuống” chiều lòng khách Việt
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông của Du lịch Việt, cho biết tour xuất ngoại du xuân có phần áp đảo hơn các tour trong nước do bảo đảm được lịch trình hấp dẫn, giá cả hợp lý, kỳ nghỉ tết kéo dài nên du khách có nhiều thời gian trải nghiệm, tour từ 4 – 6 ngày được lựa chọn nhiều. Những điểm đến gần trong khu vực như Malaysia, Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia… và các điểm đến Đông Bắc Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được nhiều du khách yêu thích.
Các tour đi thị trường xa đến thời điểm này đã đóng toàn bộ. Trong đó, tour Thái Lan đắt hàng nhất vì giá chỉ 7,5 triệu đồng, tăng khoảng 1 triệu đồng so với bình thường và rẻ hơn so với các tour nội địa đi bằng máy bay. Nằm trong phân khúc này có tour liên tuyến 2 nước Singapore, Malaysia cũng hút khách; trong khi các tuyến Trung Quốc, Nhật, Đài Loan đã bán hết, chiếm tới khoảng 30% số tour của Du lịch Việt.
Tại TST Tourist cũng ghi nhận lượng khách mua tour nước ngoài du xuân đang áp đảo nhẹ lượng khách du lịch trong nước. Các chương trình tour xa cần làm visa đã “khóa sổ” gần hết, nhiều tour sau tết đến tháng 3 cũng đã đóng. Điểm đến “hot” nhất là Nhật Bản, sau đó lần lượt tới Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước châu Âu. Xu hướng khách đi theo nhóm gia đình từ 4 người trở lên rất lớn và đặt tour sớm nên nhìn chung giá tour ổn định, không biến động.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông – marketing TST Tourist, thông tin nhu cầu du lịch của khách Việt năm nay rất đa dạng. Trong khi có nhóm đối tượng khách mua tour phải suy nghĩ về giá cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thì cũng có nhiều khách chọn các dịch vụ cao cấp hẳn. “Có gia đình đặt tour đi Úc của chúng tôi, tổng chi phí gần 200 triệu đồng/người. Dịch vụ cực kỳ cao cấp. Do đó, tổng lượng khách xuất ngoại có thể không nhiều như mọi năm nhưng phân tầng tour cao cấp khá đông, giá trị tour cao”, ông Mẫn nói.
Du khách tham quan phố cổ Hội An.
Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng chốt đơn phục vụ rất nhiều đoàn khách chọn tour Tây Âu, Nam Âu và các tour du thuyền giá trị trên dưới 100 triệu đồng/khách. Các tuyến này hiện đều đã kín chỗ, cho thấy xu hướng khách cao cấp có nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ đẳng cấp khi đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng cao.
Tour nội địa cũng sôi động không kém
Dù ghi nhận tour xuất ngoại tăng trưởng tốt, song bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị – truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết tour nội địa cũng không hề kém cạnh. So về doanh thu có thể không bằng tour ngoại, nhưng lượng khách mua tour du xuân trong nước thông qua Lữ hành Saigontourist lại nhỉnh hơn. Trong đó ghi nhận đóng góp rất lớn từ lượng khách Việt kiều tăng đột biến, chiếm tới 80% tổng lượng khách đặt tour trước tết và 60% khách mua tour sau tết của công ty.
Khách Việt kiều thường chọn những tour đi dài ngày, tối thiểu 5 ngày, có thể kéo tới 8 – 10 ngày. Họ tập trung vào những tour tham quan, khám phá văn hóa, trải nghiệm các tuyến miền Trung (Đà Nẵng, Huế, Hội An…) và miền Bắc (Ninh Bình, Quảng Ninh, các tỉnh Tây Bắc…). Theo bà Thanh Trà, nhìn chung giá trị tour trong nước vừa phải nên vẫn hút được tệp lớn khách hàng lớn.
Ngoại trừ các tour sử dụng máy bay và các dịch vụ 4 – 5 sao như tour Phú Quốc, Đà Nẵng, Hà Nội… thì giá có thể cao hơn tour đi Thái Lan, còn lại rất nhiều dòng tour đường bộ đi các tuyến như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt… hầu hết giá dịch vụ tăng không đáng kể. “Chưa kể nhiều gia đình có người già, trẻ em đi tour xuất ngoại thường cực hơn, phải đi nhiều điểm liên tục nên họ vẫn có xu hướng chọn đi trong nước cho nhẹ nhàng, mang tính nghỉ dưỡng nhiều hơn”, bà Thanh Trà nhìn nhận.
Lữ hành Vietluxtour cũng đang trông đợi lượng khách mua dịch vụ lẻ F&E (khách chỉ đặt trước các dịch vụ cơ bản thay vì mua tour trọn gói) sẽ tăng mạnh vào giai đoạn những ngày sát tết. Nhu cầu tour nội địa tại công ty này không hề hạ nhiệt so với mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2023. Trong đó khách mua dịch vụ lẻ và F&E tăng lên so với tour trọn gói.
Ông Nguyễn Minh Mẫn cũng đánh giá thị trường du lịch trong nước đang có nhiều chuyển động tốt, phần lớn nhờ các địa phương thời gian qua đã đầu tư hệ thống sản phẩm đa dạng, có chiều sâu hơn, đi vào trọng tâm hơn. Đơn cử, Phú Quốc với hàng loạt “bom tấn” mới ra mắt đang dần thu hút được lượng lớn du khách trở lại với đảo ngọc; các sản phẩm kinh tế đêm sau thời gian dài ì ạch, hô hào, nay cũng đã thật sự dịch chuyển, có thêm địa điểm vui chơi sau 18 giờ tại TP.HCM; Bình Định tổ chức đua thuyền máy Công thức 1…
Theo ông Mẫn, các sản phẩm sáng tạo ngày càng đi vào thực chất; công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm của các địa phương cũng chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn trước. Tuy nhiên, để các sản phẩm thực sự phát huy hết tác dụng, trở thành thỏi nam châm hút khách để kích thật mạnh du lịch trong nước thì vẫn cần một chiến lược xúc tiến, quảng bá ở tầm quy mô quốc gia với cách tiếp cận khách hàng có chiều sâu hơn.
“Tôi vừa tham gia các đoàn famtrip do Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức, thực hiện rất chuyên nghiệp. Họ khảo sát và lập danh sách top những đơn vị lữ hành hàng đầu của các thị trường trọng tâm, sau đó thực hiện các đoàn famtrip với mỗi đoàn một chương trình được xây dựng riêng, chọn lọc sản phẩm trải nghiệm phù hợp. Đơn cử, đoàn công ty lữ hành của Pháp, Ý sẽ đi theo chương trình khác đoàn đến từ các nước Đông Nam Á… Phân loại từng nguồn khách, tiếp cận tệp khách hàng thông qua các công ty lữ hành lớn là cách để xúc tiến sản phẩm đúng và trúng đối tượng”, ông Nguyễn Minh Mẫn gợi ý.