Du khách chọn mua tour giảm giá sâu tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh trong ngày 4/4.
Phải chuyển đổi để tồn tại
Chia sẻ tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới” diễn ra ngày 4/4 tại TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting cho biết, hiện nay có ba xu hướng du lịch chính gồm: thị trường du lịch nội khối đang giữ vai trò chủ đạo; sự lên ngôi của thị trường châu Á và đặc biệt là sự bùng nổ của xu hướng du lịch tự túc.
“Khách du lịch ưu tiên tìm kiếm thông tin cho chuyến đi và kỳ nghỉ trên các nền tảng trực tuyến. Mặt khác, khi AI (trí tuệ nhân tạo), Internet hỗ trợ tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn, càng khiến du lịch tự túc phát triển. Điều này, đang đòi hỏi doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi phù hợp với xu hướng du lịch mới đang phát triển”, ông Đặng Mạnh Phước đánh giá.
Du khách thường chọn du lịch tự túc vì sự thoải mái khi lựa chọn hành trình, thời gian di chuyển…
Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Du Lịch Việt cho biết, du khách hiện có xu hướng ưa chuộng du lịch ngắn ngày, đi theo nhóm nhỏ từ 20 khách trở xuống, đối tượng khách này tăng từ 30 – 50%. Những đối tượng khách này thường đi theo dạng khách lẻ, tự túc, đa số là chọn xe cá nhân, kéo theo đó nhu cầu đi lại bằng phương tiện chung cũng bị giảm (cả xe khách, xe du lịch và tàu hỏa). Theo đó, du khách chỉ đặt một vài dịch vụ của các doanh nghiệp lữ hành, còn lại du khách sẽ tự chủ động không theo hành trình của một đơn vị du lịch nào.
“Xu hướng du lịch tự túc gia tăng đã khiến vai trò của doanh nghiệp du lịch đang bị suy giảm. Trước đây, sản phẩm tour trọn gói vốn là chủ lực của các công ty lữ hành thì cần phải thay đổi trong thời gian tới để phù hợp với xu thế hiện đại”, ông Phan Anh Vũ lo lắng.
Xu hướng du lịch tự túc phát triển nên du khách thường chỉ mua một vài dịch vụ lẻ của doanh nghiệp lữ hành.
Theo khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành, xu hướng du lịch mới (du lịch tự túc) của du khách đã và đang làm thay đổi chiến lược kinh doanh của ngành dịch vụ lữ hành. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong những lý do khiến du lịch tự túc tăng cao chính là sự chủ động của khách để thích ứng với hoàn cảnh mới, không bị phụ thuộc vào các công ty du lịch. Chưa kể, du lịch tự túc mang lại cho du khách thời gian tự do, thoải mái, tùy ý xuất phát vào những khung giờ phù hợp với bản thân, có thể dừng chân lâu hơn hoặc nhanh hơn ở một địa điểm nếu có nhu cầu, mức chi cho chuyến đi hoàn toàn tự chủ. Vì vậy, doanh nghiệp lữ hành cần nắm bắt xu hướng này để thay đổi cho phù hợp.
Thay đổi cách kinh doanh
Ông Nguyễn Châu Á, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Oxalis Adventure cho biết, du lịch inbound (du khách nước ngoài đến Việt Nam) trong nhiều năm qua làm theo mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Theo đó, doanh nghiệp du lịch thiết kế sản phẩm du lịch và vận hành sản phẩm, trong khi các đối tác nước ngoài thì phụ trách tiếp thị, bán hàng và gom khách để gửi cho đối tác Việt Nam thực hiện chương trình tour. Sở dĩ nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm theo mô hình B2B là do cách làm này vừa đơn giản vừa tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, mô hình B2B tiết kiệm chi phí nhưng doanh nghiệp du lịch Việt Nam khá bị động trong việc phát triển sản phẩm mới để giới thiệu cho thị trường đối tác. Ngày nay, xu hướng du lịch tự túc gia tăng nên mô hình B2B đang trở nên không phù hợp.
]Hiện nay, việc du lịch bằng công nghệ số đã đem nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng.
“Vì vậy, để thu hút nguồn khách du lịch tự túc, doanh nghiệp cần chuyển sang mô hình du lịch inbound B2C (sản phẩm tour bán trực tiếp). Để chuyển sang mô hình này, đầu tiên doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá điểm đến, khi thương hiệu điểm đến mạnh thì sẽ thu hút được du khách tìm đến du lịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm đúng nhu cầu thị phần khách nhắm đến; xây dựng thương hiệu tốt; xây dựng chiến lược marketing bài bản; cuối cùng là xây dựng mạnh lực lượng bán hàng và chăm sóc khách hàng”, ông Nguyễn Châu Á cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, việc cập nhật xu thế kinh doanh của thế giới là nhu cầu cấp thiết trong thời đại công nghiệp 4.0 đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch Việt Nam. “Muốn đáp ứng xu thế du lịch mới, doanh nghiệp cần phải chuyển hướng thu hút dòng khách du lịch tự túc theo hướng gia tăng tính an toàn bằng cách áp dụng các quy chuẩn, quy trình an toàn, phù hợp với từng điểm đến, cơ sở lưu trú; tăng cường tìm kiếm, khảo sát, cho ra đời các bộ sản phẩm mới phù hợp với thị trường, từ đó có sự điều chỉnh tour, tuyến cho phù hợp. Tại các điểm đến, cần phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nâng cao giá trị văn hóa bản địa; đồng thời tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển sang hệ sinh thái sản phẩm gần gũi hơn và tương tác nhiều hơn với khách hàng trên các nền tảng số”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới.
Trong khi đó, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trong sự dịch chuyển sang mô hình B2C, yếu tố chuyển đổi số đóng vai trò sống còn. Việc ứng dụng công nghệ và mở rộng diện tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng số sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam để thu hút khách hàng là những vị khách du lịch quốc tế.
“Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch quảng bá, xúc tiến, truyền thông thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam thông qua công nghệ số. Đồng thời, Bộ nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ, đầu tư xây dựng các nền tảng hội chợ, triển lãm B2C, nâng cao chất lượng thông tin xúc tiến du lịch B2C; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để cập nhật vào cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch quốc gia… Đối với doanh nghiệp, cần quan tâm giải pháp để tăng sức hút cho các tour truyền thống, thiết kế những sản phẩm tour tuyến mới mẻ, sử dụng hiệu quả các hình thức tiếp thị B2C, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số”, ông Hồ An Phong cho biết.
Cũng theo ông Hồ An Phong, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, tiên phong dẫn dắt và kiến tạo thay đổi trong phát triển du lịch nên cần chủ động thực hiện tái cấu trúc, đổi mới mô hình, hình thức hoạt động, kinh doanh phù hợp. “Chuyển đổi là quá trình chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, nhân lực, cơ sở hạ tầng, chiến lược tới các giải pháp công nghệ… Doanh nghiệp cần xác định rõ các giải pháp, lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện, năng lực của mình”, ông Phong cho biết thêm.