Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cho thấy, trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát “khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ”.
Xu hướng du lịch bền vững
Du lịch là một trong những ngành phát triển mạnh nhất trên thế giới. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng như một nguồn thu nhập chính của nhiều quốc gia. Theo tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du lịch bền vững cần: Bảo vệ và mang lại những giá trị tốt đẹp cho môi trường một cách tối đa; Tôn trọng bản sắc văn hóa – xã hội qua việc không gây hại đến các giá trị văn hoá và góp phần quảng bá văn hoá của địa phương; Đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế lâu dài: du lịch bền vững cần phải góp phần tạo ra thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Báo cáo điều tra xã hội học đối với các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam về mức độ sẵn sàng của khách du lịch quốc tế trong phát triển du lịch bền vững được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thực hiện gần đây cũng cho thấy: 76% sẵn sàng giảm rác thải trong kỳ nghỉ; 62% sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm địa phương; 45% sẵn sàng sử dụng phương tiện di chuyển ít tác động đến môi trường; 45% chọn thời gian nghỉ ngoài mùa cao điểm; 38% sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng địa phương; 31% sẵn sàng lựa chọn điểm đến ít phổ biến hơn; 28% chọn giảm sử dụng nước trong kỳ nghỉ.
Ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội…, qua đó, vừa được thưởng thức thiên nhiên, vừa được nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên. Trên thực tế, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững không chỉ phổ biến trong cộng đồng khách quốc tế mà đang dần trở thành thói quen của du khách Việt Nam. Theo khảo sát của nền tảng Booking.com, có tới 88% số du khách nội địa cho hay dịch Covid-19 đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững. Một số tour du lịch xanh tiêu biểu đã được hình thành, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, như tour chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tour thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour xem rùa đẻ trứng ở Côn Đảo…
Tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hai nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh…), phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược đưa ra nhiều giải pháp như: Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính…
Du lịch phải bền vững mới hút khách
Phát triển du lịch bền vững gắn với tăng trưởng xanh. Đối với lĩnh vực du lịch, năm 2012, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã phối hợp nghiên cứu và công bố báo cáo liên quan đến phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh chỉ rõ 6 thách thức lớn mà du lịch thế giới phải đối mặt: Năng lượng và hiệu ứng nhà kính; Tiêu dùng nước; Quản trị rác và chất lượng nước; Đa dạng sinh học; Sự giảm thiểu của đa dạng sinh học; Quản trị xây dựng và di sản văn hóa.
Sáu thách thức này buộc du lịch thế giới phải phát triển theo hướng tăng trưởng xanh với mục tiêu là phát triển du lịch bền vững.
Việt Nam từ lâu đã khẳng định có thế mạnh du lịch nhờ cảnh quan đẹp, khí hậu thuận lợi và các di sản văn hóa phong phú, lòng hiếu khách và tính thân thiện của người dân, tuy nhiên vẫn có nhiều thách thức mà ngành Du lịch cần giải quyết, trong đó có việc phát triển du lịch bền vững trong tất cả các loại hình du lịch, xây dựng và phát triển văn hóa du lịch. Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch với một cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng rất cần đặc biệt quan tâm để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đạt mục tiêu bền vững.
Trong xu thế phát triển chung hiện nay và tương lai của thế giới, Việt Nam không thể và đã không đứng ngoài định hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh. Định hướng rõ và cụ thể nhất là ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, Việt Nam đang có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 30 vườn quốc gia, 6 vườn di sản và đa dạng các giá trị nổi bật. Việt Nam đang đứng thứ 27 trên tổng số 156 quốc gia có biển, sở hữu hơn 125 bãi tắm tuyệt đẹp.
Du lịch bền vững đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và được dự báo sẽ trở thành một động lực quan trọng của ngành du lịch toàn cầu, với tổng giá trị thị trường có thể lên tới 336 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030. Các quốc gia Đông Nam Á cũng nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển bền vững và nỗ lực thúc đẩy rộng rãi phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp quan trọng vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân Đông Nam Á.
Du lịch xanh – “chìa khóa” để phát triển du lịch bền vững!
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam