Những năm gần đây, ngành đường sắt đã tích cực cải thiện hình ảnh, tạo không gian nghỉ ngơi lịch sự, thuận tiện cho khách hàng, khiến việc đi lại càng trở nên dễ dàng.
Ngày lễ 30/4 – 1/5 là một kỳ nghỉ được trông đợi ở Việt Nam bởi thời gian nghỉ kéo dài, đặc biệt khi sát với các ngày cuối tuần, lại không phải bận rộn với nhiều thủ tục, nghi thức như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bởi vậy, nhiều người, đặc biệt là các gia đình, coi đây là một dịp tốt cho những chuyến du lịch đi xa dài ngày.
Máy bay thường là lựa chọn tốt nhất cho những chuyến đi dài. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế cho loại hình du lịch đắt đỏ này. Xe khách thường không phù hợp với những chuyến đi quá xa, đặc biệt là đối với trẻ con. Do đó, di chuyển bằng tàu hỏa đang dần trở thành một lựa chọn ưu tiên đối với khách du lịch.
Du lịch bằng tàu hỏa có ưu điểm lớn nhất là an toàn, và không quá mệt mỏi. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành đường sắt đã tích cực cải thiện hình ảnh, tạo không gian nghỉ ngơi lịch sự, thuận tiện cho khách hàng, khiến việc đi lại càng trở nên dễ dàng.
Du lịch bằng tàu hỏa còn giúp hành khách có thời gian nhìn ngắm những cung đường đẹp dọc hành trình, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của đất nước, cũng như thưởng thức các đặc sản địa phương tại những điểm dừng chân.
Ngành Đường sắt đã tăng cường chạy hàng loạt các mác tàu trên nhiều cung chặng để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới.
Ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên trên các tuyến Hà Nội – Sài Gòn, Hà Nội – Đà Nẵng, Huế – Đà Nẵng, Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng Công ty vận tải Đường sắt Hà Nội tổ chức chạy tăng cường thêm các đoàn tàu khách trên nhiều tuyến khác nhau.
Đặc biệt, ngày 26/3, tại Ga Huế, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế – Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối Di sản miền Trung.”
Có hai đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng hay buổi chiều từ Huế – Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp nhất, trên hành trình.
Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua đèo Hải Vân, nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” để đến với thành phố Đà Nẵng, nơi sở hữu bờ biển dài được tôn vinh là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Đường sắt Việt Nam hiện phục vụ các loại vé gồm: Nằm mềm điều hòa, nằm cứng điều hòa, ngồi mềm điều hòa, ngồi cứng điều hòa, ngồi cứng với nhiều mức giá khác nhau. Trong đó, giá vé giường nằm từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh dao động trong khoảng từ 1-1,8 triệu đồng, vé giường nằm từ Hà Nội đi Huế ở trong khoảng từ 850.000-1,4 triệu đồng.
Khách hàng xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng với vé nằm điều hòa sẽ mất chi phí khoảng từ 900.000-1,5 triệu đồng, từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Nha Trang với giá từ 600.000-1,1 triệu đồng.
Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn hình thức ghế ngồi mềm với giá chỉ bằng 1/2 cho đến 2/3 mức giá giường nằm, hoặc ghế phụ với chi phí thấp hơn một chút. Với lợi thế không gian khoang tàu thoáng rộng, không bị dằn xóc quá nhiều, hình thức vé này cũng không khiến người đi tàu quá mệt mỏi như di chuyển bằng ôtô.