Các dữ kiện về lịch sử, địa lý chỉnh lý, bổ sung vào tài liệu lịch sử, địa lý của tỉnh cần bám sát nguồn thông tin, tài liệu của quốc gia, đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ, chính xác, khách quan, khoa học. Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội thảo xây dựng đề cương chi tiết tài liệu lịch sử, địa lý tỉnh Lào Cai được tổ chức sáng nay 20/10 tại trụ sở Tỉnh ủy.
Đồng chủ trì Hội thảo với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy có đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí thường trực thành ủy, huyện ủy, thị ủy; các học giả, cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ chuyên môn các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đây sẽ là nguồn tài liệu quan trọng, phục vụ hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Năm 2008, Hội đồng biên soạn giáo trình lịch sử và địa lý tỉnh Lào Cai đã xuất bản hai cuốn giáo trình Lịch sử tỉnh Lào Cai và giáo trình Địa lý tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, đến nay tài liệu đã cũ, điều kiện kinh tế – xã hội, địa giới hành chính, tên gọi và thông tin về sự phát triển của địa phương, nhất là qua hơn 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển đã có nhiều thay đổi, cần được bổ sung, cập nhật để tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân.
Về kết cấu dự thảo tài liệu lịch sử tỉnh Lào Cai gồm 6 phần: Lào Cai từ khởi nguyên đến khi thành lập tỉnh (năm 1907); giai đoạn đến năm 1930; giai đoạn đến năm 1950; giai đoạn đến năm 1975; giai đoạn đến năm 1990 và giai đoạn 30 năm tỉnh Lào Cai tái lập, đổi mới và phát triển (1991 – 2021).
Đề cương tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai gồm 5 phần, gồm: Điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội tỉnh Lào Cai; địa lí nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Lào Cai; địa lí công nghiệp tỉnh Lào Cai; địa lí dịch vụ và du lịch tỉnh Lào Cai; định hướng phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch tỉnh Lào Cai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi tham gia ý kiến vào nội dung, kết cấu, các dữ kiện, các trình bày, bố cục… của dự thảo tài liệu chi tiết lịch sử, địa lý của tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vũ Xuân Cường nhấn mạnh: Tài liệu mới cần đề cao tính kế thừa nguồn tài liệu cũ của tỉnh, nội dung bổ sung, hiệu chỉnh cần phải sát thực, khoa học, hợp lý với yêu cầu của tài liệu.
Về đề cương lịch sử, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh về sự cần thiết trong xác định rõ là tài liệu lịch sử, người biên soạn không phải viết lịch sử, chép sử nhưng cần tôn trọng tính đúng đắn, chính xác, khách quan của lịch sử, đặc biệt là các dữ kiện, dữ liệu liên quan.
Tài liệu cần xác định rõ và chính xác, một cách khoa học các mốc, thời gian, giai đoạn; kết cấu tài liệu có sự cân đối, hài hòa giữa các thời kỳ, bám sát vào lịch sử quốc gia để không có việc phân chia, khác biệt giữa lịch sử địa phương và lịch sử chung của dân tộc.
Về địa lý, cần có sự thay đổi, cách tiếp cận rõ nét hơn các tài liệu trước đây của tỉnh đã ban hành. Địa lý cần có sự bổ sung, chỉnh lý thông tin sát với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các thông tin, dữ liệu mới của tỉnh giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2021. Ví dụ: Thông tin về quy hoạch tỉnh Lào Cai, thông tin về các trữ lượng khoáng sản, tài nguyên của Lào Cai mới phát hiện, đánh giá.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường cũng yêu cầu việc biên soạn tài liệu cần tính tới đối tượng phục vụ, đảm bảo tính cô đọng, khái quát, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhất là dành cho học sinh, sinh viên, hạn chế thấp nhất việc ngại học sử, học địa, nhất là với tài liệu sử, địa của địa phương.