Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa để nâng cao thu nhập.
Hơn 10 tấn quả chuối tươi là sản lượng gia đình anh Lý Láo Tả ở thôn Sản Lùng Phìn, xã Nậm Chảy (Mường Khương) dự kiến thu hoạch trong năm 2023. Chuối là cây trồng hàng hóa được gia đình anh Tả lựa chọn sản xuất trong 3 năm trở lại đây. Nhờ được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và 2 năm gần đây chuối bán được giá đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Tả cho biết: Sau nhiều năm đi trồng chuối thuê cho một số hộ trong huyện, tôi đã nắm được kỹ thuật và tự trồng chuối trên diện tích đất của gia đình. Việc trồng, chăm sóc chuối không quá khó, 2 vợ chồng tôi đã chủ động được hầu hết các khâu trồng, chăm sóc nên tiết kiệm được chi phí. Riêng cây chuối giống và phân bón thì phải mua. Hiện tại, gia đình đang tập trung thu hoạch, sản lượng khoảng 1 tấn/ngày. Với giá chuối đang bán ở thời điểm hiện tại, dự kiến năm nay gia đình thu gần 60 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong, gia đình bắt tay vào tỉa mầm, bón thêm phân, phát dọn cỏ, chăm sóc để thu hoạch chuối vào năm sau.
Thời điểm hiện tại, các hộ trồng quýt sen, quýt sim ở thị trấn Mường Khương (Mường Khương) vẫn đang tất bật thu hoạch quýt bán cho thương lái. Quýt là loại cây trồng chủ lực được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương chọn trồng theo hướng phát triển hàng hóa. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây trồng này.
Anh Phàn Khái Pao, hộ trồng quýt ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương chia sẻ: Trong khi các hộ khác trồng nhiều quýt sen thì tôi chọn quýt sim là cây trồng chính, vì đây là giống mới, vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp. Giá bán của quýt sim cũng cao hơn quýt sen (trung bình 25 – 30 nghìn đồng/kg). Hiện tại, gia đình có hơn 500 gốc quýt sim, trong đó khoảng 300 cây đang cho thu hoạch, mỗi cây quýt cho thu 200 – 300 nghìn đồng/vụ.
Nếu gia đình anh Lý Láo Tả lựa chọn cây chuối, gia đình anh Phàn Kháo Pao lựa chọn quýt để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa thì gia đình anh Hoàng A Quang ở thôn Hải Khê, xã Bản Qua (Bát Xát) lại lựa chọn trồng táo, mít Thái, xoài, hồng xiêm… Hiện tại, gia đình anh Quang có khoảng 50 cây táo, 200 cây mít Thái, vài chục gốc xoài và hồng xiêm… Với mô hình phát triển đa dạng các loại cây ăn quả, mỗi năm, gia đình anh Quang có thêm nguồn thu trên 50 triệu đồng.
Anh Quang cho biết: Chọn gắn bó với cây ăn quả, gia đình phải phát triển đa dạng các loại cây để quanh năm có sản phẩm bán. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên tìm kiếm các giống mới để đưa vào sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ngoài các mô hình trên, trên địa bàn tỉnh còn hàng nghìn mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này phần nào khẳng định thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đang rất chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập.
Ngành nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân gắn với khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản… Qua đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là ở khu vực biên giới, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số.