Nguy cơ tăng trưởng dân số âm
Bộ Y tế vừa có đề xuất các giải pháp can thiệp để duy trì được mức sinh thay thế tại Việt Nam, không để dân số tăng trưởng âm.
Tại nước ta, tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2017 – 2020 là 1,07%. Song do mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Theo Dự báo dân số Việt Nam 2019 – 2069 của Tổng cục Thống kê, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số nước ta sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054 – 2059 bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064 – 2069) là 0,18%, tương đương giảm bình quân 200.000 người/năm. Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định thì dân số Việt Nam tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 – 2069 tăng 0,17%, tương đương 200.000 người/năm.
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), hiện mô hình sinh của Việt Nam chuyển dịch mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi từ 20 – 24 sang nhóm tuổi từ 25 – 29, đồng thời với thực tế đó, tuổi kết hôn tăng, tỷ lệ kết hôn giảm. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa đang ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số cho biết, các nghiên cứu, dự báo cho thấy xu hướng mức sinh giảm tại Việt Nam. Với xu hướng này, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên. Việt Nam vẫn đang ở trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người hơn 60 tuổi.
Cần đòn bẩy chính sách
Theo quan điểm của TS, bác sĩ Bùi Chí Thương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất mới đây của Bộ Y tế để cặp vợ chồng tự quyết định sinh bao nhiêu con là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. Thậm chí đề xuất này cần sớm hơn vì thực trạng dân số như hiện nay chưa giàu đã già. Đồng thời tỷ suất sinh ở các khu vực thành thị đang xuống thấp đáng e ngại, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, mức sinh năm 2023 chỉ là 1,32 con.
Theo chuyên gia tài chính, PGS, TS Ngô Trí Long, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích sinh đủ hai con như hỗ trợ về thuê nhà, mua nhà ở xã hội (ưu đãi lãi suất), hay các chính sách về giáo dục, y tế để người trẻ giảm bớt áp lực, sẵn sàng tâm lý và điều kiện để chủ động sinh con. Nếu không sớm có giải pháp, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ mất lực lượng lao động trẻ dồi dào, sẽ không hút được các doanh nghiệp FDI, cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Như vậy nền kinh tế sẽ đối mặt với khủng hoảng lao động.
Còn theo ý kiến của GS, TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), dù hiện nay mức sinh thay thế chung cả nước chưa ở mức báo động nhưng cũng cần có những chính sách để “đón đầu”. Điều quan trọng là các chính sách an sinh phải bảo đảm cho việc nuôi dạy con cái thì các cặp vợ chồng mới an tâm sinh con.
GS, TS Giang Thanh Long cho rằng, chúng ta đang từng bước thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng với già hóa dân số nên đương nhiên người cao tuổi sẽ là trọng tâm của các chiến lược, chính sách này. Khi nói về người cao tuổi cần lưu ý, có hai nhóm là người cao tuổi hiện nay và người cao tuổi trong tương lai (hay chính là những người trẻ tuổi, trung niên bây giờ). Thích ứng với dân số già tức là phải chuẩn bị cho cả hai nhóm dân số này. Mặt khác, với nhóm dân số trẻ hơn – những người cao tuổi tương lai – cần tận dụng “cơ hội vàng” khi tỷ lệ và số lượng nhóm này còn tăng trong khoảng hai thập niên nữa. Chuẩn bị kinh tế/tài chính, sức khỏe và các hoạt động cộng đồng để vừa bảo đảm an sinh thu nhập hiện tại cũng như trong tương lai và chuẩn bị cho “kiềng ba chân” của già hóa tích cực – bảo đảm kinh tế; bảo đảm sức khỏe và hoạt động cộng đồng.
Bộ Y tế cũng đang đề xuất các chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi nhằm thích ứng với già hóa dân số, dân số già. Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế xây dựng đang được lấy ý kiến. Theo đó, cả nước hiện có hơn 4 triệu người cao tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, song hầu hết đang làm các công việc có tính chất dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp, với gần 80% lao động cao tuổi là lao động tự làm và lao động hộ gia đình. Mức lương bình quân của người cao tuổi gần 3,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 34% mức lương bình quân trên thị trường. Bộ Y tế đề xuất xây dựng các giải pháp thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, Bộ Y tế cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Cần nhấn mạnh rằng, người cao tuổi không phải là “gánh nặng” của xã hội, mà họ vẫn đang đóng góp công sức – một cách thầm lặng và nhiều khi không được ghi nhận – cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Biết tận dụng tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi một cách phù hợp sẽ mang lại những giá trị to lớn cho xã hội. Ngược lại, nếu không chăm lo, chuẩn bị thích ứng với dân số già hóa nhanh một cách phù hợp, đúng thời điểm thì sẽ bỏ lỡ “cơ hội vàng” dân số hiện nay cũng như tạo “gánh nặng” thật sự trong tương lai với gần 30 triệu người cao tuổi vào giữa thế kỷ này.