Điều này phần nào phản ánh hiệu quả của các chiến lược xúc tiến, truyền thông và quảng bá du lịch của Việt Nam.
Thời gian qua, ngành du lịch đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nhằm quảng bá du lịch Việt Nam. Ở trong nước, tiêu biểu có thể kể đến một số hội chợ du lịch được tổ chức với quy mô lớn, thường niên như:
Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024, Hội chợ du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh… Việt Nam cũng chủ động tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài với thông điệp “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” (Live fully in Vietnam).
Việc mở rộng và đa dạng các hoạt động xúc tiến tại những thị trường lớn đã giúp du lịch Việt Nam tăng thêm lượng khách quốc tế. Cụ thể, trong quý I năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) tiếp tục tăng trưởng mạnh; thị trường Đông Nam Á tăng trưởng ổn định; thị trường châu Âu tăng trưởng sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng tồn tại không ít thách thức như: vẫn mang tính nhỏ lẻ; cơ chế phối hợp, triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, giữa các hiệp hội và doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Những thách thức này khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa xứng tiềm năng. Mặt khác, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của du khách, yêu cầu về sự đổi mới xúc tiến, quảng bá du lịch càng trở nên cấp thiết.
Yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng đã được đặt ra cụ thể tại Nghị quyết số 82/NQ-CP (ngày 18/5/2023) và Chỉ thị 08/CT-TTg (ngày 23/2/2024) của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh các yếu tố quan trọng trong xúc tiến, quảng bá du lịch bao gồm: tạo đột phá, thay đổi tư duy; làm nổi bật thương hiệu, xứng tầm…
Để hoạt động xúc tiến, quảng bá đạt hiệu quả hơn, các giải pháp cần có sự đột phá và đổi mới mạnh mẽ hơn. Một trong những hướng đi phù hợp xu hướng hiện nay là tận dụng tối đa công nghệ; tăng cường xúc tiến, quảng bá trên các nền tảng hiện có. Bởi phần đông du khách tìm hiểu và lựa chọn điểm đến thông qua các nền tảng số như: website, các kênh Youtube, Tiktok…
Vì thế, cần cải thiện chất lượng các thông điệp, nội dung, hình ảnh cũng như tiện ích trên những nền tảng này nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm tối ưu. Xúc tiến, quảng bá du lịch qua điện ảnh cũng là một kênh khai thác mới có thể mang lại hiệu quả cao. Thực tế đã chứng minh, ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch trên khắp thế giới đến tham quan nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ của các bộ phim.