Một buổi đi tham quan thực tế tại cơ sở của lớp học nghề ngắn hạn do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức (ảnh trên). Gần 70 hội viên nông dân huyện Bảo Thắng đã được giới thiệu về những lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn nuôi giun trùn quế tại HTX Nông Lâm nghiệp Tây Bắc Phúc Yên. Từ những lợi ích của mô hình mang lại, nhiều hội viên nông dân mong muốn sẽ sớm phát triển tại gia đình. “Tôi rất muốn phát triển, mình nuôi để phục vụ gia đình trước. Thứ nhất là nhà tôi có gà, có cá nên rất mong là sẽ nuôi được vài gian giun trùn quế để nuôi gà, nuôi cá cho đỡ tốn thức ăn”, chị Trần Thị Hà, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng chia sẻ.
Tiết thực hành của lớp kĩ thuật sơ chế, sản xuất quế theo chuỗi giá trị tại thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải (ảnh trên), do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp cùng HTX Nông Lâm sản Chiến Thắng tổ chức. Với phương pháp cầm tay chỉ việc, 35 học viên của lớp học đã tiếp thu rất nhanh kỹ thuật làm quế ống sáo và quế điếu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. “Sản xuất quế có liên kết thì lợi nhuận hơn nhiều. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được các công ty kí kết hợp đồng để giá cả ổn định”, ông Đặng Quốc Nhật, thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho hay.
4 năm qua, đã có 50 lớp học được Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tổ chức. Nội dung học gồm nhiều lĩnh vực, từ chuyển giao tiến bộ khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, đến kỹ năng tiếp cận thị trường và tiếp thị nông sản trên điện thoại thông minh… Hình thức giảng dạy được đổi mới toàn diện, như: Mở lớp ngay tại cơ sở, lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành; có kết nối với các doanh nghiệp, HTX để đảm bảo hiệu quả sau đào tạo. “Chúng tôi đưa người dân xuống tất cả các cơ sở chế biến, hoặc các doanh nghiệp thu mua để người dân thấy doanh nghiệp sản xuất họ cần những mẫu mã, tiêu chuẩn như thế nào để về thực hiện”, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho hội viên nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của hội viên, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp. Qua đó giúp nông dân ứng dụng thuần thục khoa học – kĩ thuật trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, xây dựng thành công các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
An Hồng – Trần Tuấn