Những tín hiệu tích cực
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long vừa công bố thông tin, trong tháng 9 doanh nghiệp bán được gần 600.000 tấn thép, tăng 7% so với tháng 8. Đây là doanh số bán hàng cao nhất trong vòng một năm qua. Trong đó, thép xây dựng bán được 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023. Đây là thông tin tích cực đối với doanh nghiệp đầu ngành thép Việt Nam.
Theo tập đoàn này, sở dĩ lượng thép bán được gia tăng một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ, trong đó có đại dự án Sân bay Long Thành.
Sau thời kỳ khó khăn kéo dài, có quý lỗ tới 1.800 tỷ đồng, Hòa Phát đang hồi phục. Giá cổ phiếu tăng gấp hơn 2 lần so với đáy hồi tháng 11/2022. Tài sản của ông Long tăng trở lại, đạt 2,1 tỷ USD vào ngày 12/10, theo tính toán của Forbes.
Trong một báo cáo công bố ngày 11/10, SSI Research ước tính nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận lợi nhuận trong quý III/2023 tăng. Trong đó, lợi nhuận của Lọc dầu Bình Sơn (BSR) tăng gấp 6 lần. Lợi nhuận của Hòa Phát đạt 2.100 tỷ đồng (so với mức lỗ 1.800 tỷ đồng cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế của Viglacera (VGC) tăng 83% lên 565 tỷ đồng. Lợi nhuận Petrolimex (PLX) tăng 5 lần lên 1.700 tỷ đồng.
Lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp được SSI Research có báo cáo ước tính đều tăng. Số doanh nghiệp được dự báo có lợi nhuận quý III giảm (đã) ít hơn số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng. Điều này cho thấy một bức tranh kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn so với 2 quý đầu năm.
Về vĩ mô, theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 lần đầu tiên vượt mức 50% và đạt khoảng 363.300 tỷ đồng. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng của nền kinh tế tháng sau cao hơn tháng trước. Thị trường trong nước là bệ đỡ cho các doanh nghiệp.
Niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá tốt. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam lọt vào Top 10 điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 63% doanh nghiệp được EuroCham khảo sát xếp Việt Nam vào Top 10, tới 31% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào Top 3.
Khánh thành nhà máy chip bán dẫn của Mỹ đầu tư 1,6 tỷ USD tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Mỹ, Hàn, Nhật cũng tiếp tục vào Việt Nam. Ngày 11/10, Tập đoàn Amkor đã khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn Amkor, đặt tại Bắc Ninh. Amkor cam kết đến năm 2035 đầu tư với số vốn 1,6 tỷ USD.
Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, gần đây công ty Hana Micron của Hàn Quốc công bố sẽ mở rộng sản xuất chip với khoản đầu tư 1 tỷ USD đến năm 2025.
Đã qua thời khó nhất, chờ một thập kỷ mới bứt phá
Trong một báo cáo công bố ngày 12/10, Ngân hàng HSBC cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đặt nền móng cho đà phục hồi nhẹ với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến, đạt mức 5,3% trong quý III.
Trước đó, cuối tháng 9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần sau khi tăng trưởng chậm nửa đầu 2023 do nhu cầu bên ngoài giảm.
Theo HSBC, sau một khoảng thời gian khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã thấy ánh sáng cuối đường hầm với các tín hiệu tích cực đến từ lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ cũng như triển vọng từ mảng công nghệ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 9 khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam vẫn hút mạnh dòng vốn FDI quốc tế.
Về thương mại, sau nửa đầu năm đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam phục hồi với tốc độ mạnh mẽ hơn dự kiến, với mức tăng trưởng GDP 5,3% trong quý III. Nguyên nhân phần lớn là nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực thương mại. Tháng 9 đánh dấu tháng đầu tiên xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, nhu cầu tăng mạnh từ phía Trung Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp đã giúp giữ vững xuất khẩu của Việt Nam. Ngành du lịch đang bùng nổ, là nền tảng cho ngành dịch vụ, thúc đẩy Chính phủ tăng chỉ tiêu cả năm cho ngành du lịch.
Theo HSBC, dịch vụ vẫn là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Nhìn sơ bộ, các lĩnh vực có mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đều liên quan đến du lịch. Xét trên diện rộng, ASEAN đã chứng kiến lượng khách du lịch quay trở lại khoảng 60-80% so với mức của năm 2019, trong đó tốc độ phục hồi của Việt Nam đang tiến gần đến mốc 70% trong tháng 9.
Tính đến tháng 9, Việt Nam đã đón 8,9 triệu khách du lịch buộc các cơ quan quản lý phải nâng chỉ tiêu cả năm lên 13 triệu, từ mức 8 triệu trước đó. Trong bối cảnh mùa đông sắp diễn ra ở khu vực Bắc bán cầu và với quy định nới lỏng thị thực gần đây, Việt Nam đang trên đà tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về du lịch.
Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng. Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia.
Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong ba năm qua.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9 khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Biden công bố rằng các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Amkor và Marvell, có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, có những rủi ro đã xuất hiện, trong đó có lạm phát. Giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao, nhất là giá khí đốt trong nước tăng đáng kể.
Mặc dù vậy, HSBC dự báo lạm phát bình quân sẽ không vượt mức trần 4,5%. HSBC nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân từ mức 3,2% trước đó lên 3,4% cho năm 2023. Với rủi ro lạm phát và tỷ giá, HSBC không còn kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. NHNN sẽ giữ lãi suất điều hành ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024.
Tỷ giá USD/VND sẽ không có biến động như tháng 10/2022. Hiện, các điều kiện kinh tế vĩ mô của VND đã được cải thiện. Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng.