Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh tư liệu
Thông qua việc kết nối, trao đổi này, doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu xuất, nhập khẩu của nhau, xác định được đối tác tiềm năng, để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu, tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Theo ông Lê Hoàng Tài, dù dịch COVID-19 và những xung đột bất ổn của tình hình thế giới đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam nhưng với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì ổn định và kinh tế đã phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan.
Thống kê từ Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023 thương mại hai chiều sẽ đạt mức kim ngạch như hai Bên đã đạt được trong năm 2022.
Ông Lê Hoàng Tài cũng chỉ ra rằng, tuy có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng với dân số 47 triệu người, nhưng hợp tác tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Vân Nam còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên. Do đó, năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Vân Nam chỉ đạt 3,2 tỷ USD và trong 10 tháng năm 2023 thương mại hai chiều chỉ đạt 2,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đàm Vỹ, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam là một quốc gia quan trọng tại châu Á, đồng thời cũng là nước thành viên quan trọng của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và RCEP (Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực).
Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) – Việt Nam từ 17,74 tỷ Nhân dân tệ năm 2016 tăng trưởng ổn định đến 35,21 tỷ Nhân dân tệ năm 2020, tăng trưởng bình quân năm là 18,7%, từ năm 2021 đến nay. Thế nhưng, do ảnh hưởng của COVID-19, thương mại song phương đang giảm xuống. Trong năm 2023, thương mại Vân Nam (Trung Quốc) – Việt Nam liên tục hồi phục, tháng 1 đến tháng 10 kim ngạch xuất khẩu đạt 15,174 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 14,45% tổng kim ngạch thương mại giữa Vân Nam và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Vân Nam vào Việt Nam gồm: Than cốc, phân bón, năng lượng điện, máy móc thiết bị điện, hóa chất khác, nông sản (các loại rau, củ, quả…). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Vân Nam gồm: Phốt pho vàng, hoa quả nhiệt đới (thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, vải, nhãn..), sản phẩm gỗ, ván bóc, dược liệu, sắn tươi, tinh bột sắn, nông sản, thủy sản.
“Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, cho đến tháng 11/2023, Vân Nam có 53 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp loại phi tài chính; tổng kim ngạch đầu tư theo thỏa thuận của phía Trung Quốc là 360 triệu Nhân dân tệ, tổng kim ngạch đầu tư luỹ kế thực tế là 220 triệu Nhân dân tệ với các lĩnh vực đầu tư chính là ngành chế tạo, nông nghiệp và khai khoáng”, ông Đàm Vỹ nhấn mạnh.