Sầu riêng, bưởi da xanh… hút khách
Fruit Logistica là hội chợ triển lãm quốc tế chuyên về trái cây, rau quả lớn nhất thế giới – năm 2024, diễn ra từ ngày 7 – 9/2. Đây là lần thứ 4 Việt Nam tham gia hội chợ, với 7 gian hàng. Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) phối hợp với Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ. Có 6 doanh nghiệp tham dự trực tiếp là thương hiệu Thanh long Hoàng Hậu, AntFarm, Việt Tropical Fruit, Xuất nhập khẩu Golden Bee, Phước Hỷ, Natural Fruit… và 2 doanh nghiệp ủy thác cho Vinafruit là Công ty Pico AgriViet và Công ty xuất nhập khẩu Vinagrin.
Doanh nghiệp Việt đi bán rau quả xuyên tết tại trời Âu.
Từ CHLB Đức, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit chia sẻ với Thanh Niên: Các doanh nghiệp đã tạm hoãn ăn tết cổ truyền để mang các loại trái cây đặc sản Việt Nam sang tận trời Âu để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Việc duy trì sự hiện diện của khu gian hàng Việt Nam tại hội chợ Fruit Logistica thường niên tác động lan tỏa đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vì đây là một trong những hội chợ thương mại quốc tế về rau quả tươi lớn nhất thế giới được tổ chức trên đất châu Âu.
“Các doanh nghiệp đã mang sầu riêng, bưởi da xanh, mít, thanh long, chanh dây (chanh leo)… sang mời khách tham quan dùng thử sản phẩm. Các loại trái cây nhiệt đới của chúng ta được bạn bè quốc tế đón nhận rất tích cực”, ông Nguyên nhận xét.
Hiện nay, các chuỗi siêu thị châu Á lớn hàng đầu của Đức như: AsRopa, Netto, Edeka, Selgros đã nhập khẩu và phân phối các sản phẩm hoa quả của Việt Nam, đặc biệt là sầu rêng, bưởi da xanh. Các mặt hàng khác như chanh leo tươi, sầu riêng, mít sấy khô, chuối sấy, thanh long sấy khô cũng được quan tâm.
Ngay trong ngày khai mạc hội chợ (ngày 7/2), Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã cùng Hiệp hội Rau quả Việt Nam Vinafruit tổ chức chương trình giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Công ty Asropa Food GmbH (đang có nhu cầu nhập thanh long và bưởi da xanh), Cty Selgros là hệ thống siêu thị Cash & Carry (có hơn 40 đại siêu thị trên nước Đức và phân phối hơn 6.000 mặt hàng từ thực phẩm đang có nhu cầu nhập khẩu trực tiếp trái cây từ Việt Nam).
Sẽ tăng trưởng 2 con số
Ông Nguyên cho biết: Việc đưa hàng vào châu Âu hiện tại có 2 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, EU là thị trường gần như khó tính đặc biệt liên quan tới các vấn đề an toàn thực phẩm. Thứ hai, vấn đề lạm phát sẽ ảnh hưởng đến sức mua và căng thẳng trên Biển Đỏ. Đây là những thách thức trong việc đưa hàng từ Việt Nam vào EU trong năm 2024.
Rau quả nhiệt đới Việt Nam thu hút được nhiều khách hàng.
Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ rau quả ở thị trường EU rất lớn và tiềm năng. Nhìn lại lịch sử, năm 2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU đạt trên 200 triệu USD; đến năm 2023 là 300 triệu USD; nhiều khả năng năm 2024 sẽ tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2023.
“Tiềm năng tăng trưởng tốt vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đủ trình độ, kiến thức và kinh nghiệm để cung cấp hàng cho EU một cách an toàn và bền vững. Đối với vấn đề căng thẳng Biển Đỏ, những mặt hàng như bưởi da xanh, dừa tươi có thời gian bảo quản lâu nếu đi đường vòng vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng. Các mặt hàng trái cây tươi khác có thể phải chuyển qua đường hàng không. Các sản phẩm đông lạnh, chế biến như: sầu riêng, dừa, chanh dây, xoài… vẫn có thể đi container lạnh. Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách đẩy mạnh đưa hàng vào EU để tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên. Lợi thế về thuế quan sẽ giúp cho rau quả nhiệt đới từ Việt Nam có thêm sức cạnh tranh ở thị trường EU”, ông Nguyên nhận định.
140 quốc gia tham dự hội chợ
Năm 2024, Hội chợ Fruit Logistica có 2.770 doanh nghiệp (năm 2023 có 2.610) đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày trong 27 Halls (tòa nhà), thu hút khoảng 50.000 khách tham quan, doanh nghiệp từ trên 140 quốc gia trên thế giới. Fruit Logistica bao trùm mọi lĩnh vực kinh doanh, chế biến các sản phẩm rau quả tươi sống, cung cấp một bức tranh tổng thể về những cải tiến trong công nghệ bảo quản chế biến đóng gói trái cây, sản phẩm và dịch vụ mới nhất cũng như các kênh liên kết phân phối trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Mục tiêu rau quả xuất khẩu năm 2024 sẽ mang về 6,5 tỉ USD
Năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt giá trị 5,6 tỉ USD, tăng 167% so với năm trước. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đạt 3,6 tỉ USD, tăng đến 238% so với năm 2022. Xuất khẩu sầu riêng đạt tới 2,241 tỉ USD, tăng đến 430% so với năm trước. Năm 2024, mục tiêu của ngành rau quả tiếp tục tăng trưởng cao với kim ngạch đến 6,5 tỉ USD.