CTTĐT – Sáng ngày 11/12/2024, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội do đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc khảo sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường tại tỉnh Lào Cai.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Thị Hiên, Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Báo cáo với Đoàn công tác, tỉnh Lào Cai cho biết: Toàn tỉnh có 594 trường học, 8.231 nhóm/lớp với 235.731 học sinh. Toàn tỉnh có 468 trường có trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, chiếm 80,1% tổng số trường mầm non, phổ thông, với 121.454 học sinh, chiếm 52,45%, trong đó, có 213 trường tổ chức ăn bán trú buổi trưa (học sinh đi đến trường và trở về trong ngày), với 38.554 học sinh, chiếm 16,65%; có 255 trường tổ chức ăn, ở tại trường (học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày), với 82.900 học sinh, chiếm 35,8%.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lào Cai đã xác định dinh dưỡng học đường là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện sức khỏe của thế hệ trẻ.
Tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, dinh dưỡng học đường; Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù để triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về dinh dưỡng học đường, tập trung vào việc bảo đảm bữa ăn bán trú đủ chất, an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của dinh dưỡng học đường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh. Tăng cường giám sát và kiểm tra việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học. Chỉ đạo ngành Y tế đã có nhiều kế hoạch triển khai các hoạt động tư vấn dinh dưỡng cho học sinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở và cho các cơ sở giáo dục trong chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Để tăng cường hiệu quả thực hiện và hoàn thiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường, tỉnh Lào Cai đề xuất kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và Bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động dinh dưỡng từ ngân sách ở Trung ương và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Bổ sung đối tượng học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và niền núi được hỗ trợ tiền ăn. Mở rộng đối tượng học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số học chương trình GDTX cấp THPT tại Trung tâm GDTX tỉnh, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, đảm bảo tính công bằng cho học sinh sau THCS.Tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú lên 60% mức lương cơ sở/tháng/học sinh; không quy định tối đa 5 lần định mức cấp dưỡng/trường; Ưu tiên dành nguồn lực đặc biệt đầu tư cho các tỉnh miền núi, vùng cao để chuẩn hóa giáo dục vùng cao; thiết bị dạy tối thiểu; xây dựng trường chuẩn quốc gia, giáo dục chất lượng cao, đặc biệt hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú…
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về: Quy định tiêu chuẩn bữa ăn dinh dưỡng học đường; các chế độ, chính sách về dinh dưỡng; công tác chăm sóc sức khoẻ cho học sinh; công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dinh dưỡng cho cha mẹ học sinh…
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường của tỉnh Lào Cai. Đồng chí cho rằng, tỉnh đã ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dinh dưỡng học đường.
Nhấn mạnh vai trò tầm quan trọng về dinh dưỡng học đường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Tạ Văn Hạ, đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo cấp uỷ chính quyền về vấn đề dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt dinh dưỡng học đường; tăng cường công tác truyền thông đối với nhân dân về dinh dưỡng; ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo đủ chất lượng cho các học sinh; tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ chính sách cho các nhân viên cấp dưỡng; đẩy mạnh về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Giàng Thị Dung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tiếp thu những đánh giá, nhận xét của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến dinh dưỡng học đường, đặc biệt việc có nhiều cơ chế, chính sách chính sách hỗ trợ cho học sinh nội trú, bán trú, người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn để tạo điều kiện thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương để công tác dinh dưỡng học đường tại địa phương ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện.
Trước đó, ngày 10/12, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội đã tới khảo sát một số trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Thảo Châu