Ngày 9/7, tại thành phố Đà Nẵng, Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng trao đổi kinh nghiệm công tác chuyển đổi số.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác tỉnh Lào Cai, phía thành phố Đà Nẵng có đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố.
Tham gia Đoàn công tác tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đỗ Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lào Cai; Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, UBND thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ nhiều giải pháp trong công tác chuyển đổi số. Đồng chí Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Muốn chuyển đổi số thành công phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”. Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Cũng như các địa phương khác trong toàn quốc, thành phố Đà Nẵng tập trung chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột, bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo báo cáo đánh giá chuyển đổi số năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Đà Nẵng có năm thứ 3 liên tiếp xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, dẫn đầu cả 3 trụ cột chuyển đổi số và 13 năm liên tiếp dẫn đầu xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index) trong nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng được nhiều tổ chức, hiệp hội chuyên ngành đánh giá và tôn vinh, trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 và giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2023. Tổ chức WeGO (Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới) vinh danh ở hạng mục “Human-CentriCity Prize” – Thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm, với sản phẩm nền tảng hành trình số năm 2023.
Thành phố Đà Nẵng đã đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (IOC) và các trung tâm điều hành quận huyện (OC).
Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích, nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp sử dụng và có được sự tương tác giữa chính quyền, người dân trên môi trường số khá cao, như: nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City (1,2 triệu lượt tải); nền tảng công dân số MyPortal (hơn 260.000 người dân có tài khoản công dân số); Cổng Góp ý Đà Nẵng và Cứu hộ (1.000 lượt góp ý, phản ánh/tháng), ứng dụng Cho và Nhận, Tổng đài 1022 (10.000 lượt tương tác/tháng)…
Thành phố cũng có nhiều chính sách phát triển hạ tầng công nghệ, thu hút nguồn nhân lực. Chỉ tính riêng trong năm 2024, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp giữa năm chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06; hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lào Cai nêu nhiều nội dung quan tâm, đặc biệt là kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong phát triển các nền tảng dữ liệu số, hạ tầng số và an toàn thông tin; phát huy hiệu quả Trung tâm IOC, ứng dụng số trong quản lý điều hành; số hóa dữ liệu ngành du lịch, văn hóa; các giải pháp phát triển các ứng dụng, tiện ích để hình thành công dân số phục vụ cho sự phát triển xã hội số; cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực số…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ ấn tượng đối với công tác chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, với rất nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo trong phát triển 3 trụ cột chuyển đổi số, là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội thành phố phát triển.
Để tham mưu triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan của thành phố Đà Nẵng, thường xuyên trao đổi thông tin, học tập những kinh nghiệm quý và đề xuất các nội dung áp dụng phù hợp với thực tế địa phương trong thời gian tới.