Mới đây, cử tri huyện Long Thành, Đồng Nai phản ánh việc thi mô phỏng bằng phần mềm do Cục Đường bộ đưa ra được áp dụng vào chương trình dạy và học lái xe ô tô hạng B1, B2, C, D, E, F… là bất cập, đánh giá không đúng thực tế khi lái xe trên đường.
Theo cử tri, quy định trên gây hoang mang cho người thi và mất nhiều thời gian, kinh phí của người dân. Cử tri đề nghị Bộ GTVT bãi bỏ việc tổ chức thi mô phỏng tình huống giao thông trong sát hạch lái xe.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo Cục Đường bộ chủ trì, phối hợp các đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh, cập nhật một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý. Thời gian qua, Cục Đường bộ đã tích cực phối hợp cơ quan liên quan điều chỉnh, cập nhật phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Cục Đường bộ đã điều chỉnh phần thi mô phỏng tình huống giao thông trong sát hạch lái xe.
Cụ thể, Cục phối hợp với một số chuyên gia tiến hành đồ họa lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn; bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết….
Thêm vào đó, Cục đường bộ cũng điều chỉnh phần mềm mô phỏng theo hướng kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.
Song song đó, đầu năm nay, Cục Đường bộ hướng dẫn các Sở GTVT truy cập trang thông tin điện tử www.gplx.gov.vn tải bản cập nhật phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và chính thức thực hiện trên toàn quốc từ ngày 15-2. “Hiện nay, tỉ lệ đạt yêu cầu nội dung sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông trên 80%…”- Bộ GTVT cho biết.
Theo đại diện Cục Đường bộ, năm 2018, Bộ GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch làm đường hầm, cầu, phà nhằm đào tạo sát hạch cho người học lái ô tô. Tuy nhiên, các trung tâm đào tạo lái xe không thể làm được và đưa cabin mô phỏng vào thực hiện triển khai giống như ngành hàng không và đường sắt nhằm đào tạo, sát hạch cho phi công, lái tàu.
“Thực tế mỗi học viên được thực hành 3 giờ trên cabin nhưng học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông…” – đại diện Cục Đường bộ nói.