Bản Giàng là thôn xa và khó khăn nhất xã Pa Cheo (Bát Xát), không đường, không điện, không sóng điện thoại… tất cả khiến thôn nghèo như một ốc đảo. Nhưng nay mọi chuyện đã dần thay đổi, tuyến đường từ trung tâm xã lên thôn đang được cải tạo, nâng cấp, chỉ ít ngày nữa thôn cũng sẽ chính thức có điện lưới quốc gia.
Do đã hẹn trước nên khi chúng tôi vừa có mặt ở trụ sở UBND xã Pa Cheo đã thấy Trưởng thôn Bản Giàng – Sùng A Sáng đứng đợi sẵn với chiếc xe máy “Win thồ” quen thuộc của đồng bào vùng cao. Nhìn sang xe máy của chúng tôi, anh Sáng lăn tăn nói không biết có đi được không. Chúng tôi cũng đi vùng cao nhiều nhưng nghe thế lại đâm lo, không lẽ đường khó đến thế. Anh bạn đi cùng bảo: Cứ đi đã rồi tính!
Qua trung tâm xã 2 cây số, từ Tả Lèng đến Séo Pa Cheo, Tả Pa Cheo, con đường bắt đầu dốc dựng đứng, cua gấp, nhiều đoạn bị mưa lũ gây sạt lở hàm ếch vào gần tim đường, nhưng đó mới chỉ là đoạn khởi đầu. Từ Tả Pa Cheo đến Bản Giàng thực sự là một thử thách, con đường đang trong giai đoạn thi công, đất, đá tràn ra đường, lại thêm trận mưa to hôm trước khiến nó càng thêm trơn trượt. Trưởng thôn Sáng đi được một đoạn lại phải đứng chờ chúng tôi.
Lên đỉnh dốc, xa xa đã nhìn thấy Bản Giàng với những căn nhà lợp mái gỗ pơmu thấp thoáng, vẳng nghe dưới chân núi tiếng máy phá đá làm đường. Chúng tôi thở phào vì vẫn an toàn, nào ngờ hơn 1 cây số trước mặt mới thực sự gian nan, con dốc lúc này cắm thẳng xuống chân núi, đường vẫn trơn trượt, muốn dừng lại cũng khó, chỉ có cách từ từ để xe trôi xuống, nhiều đoạn người dân phải rải trấu cho khỏi trơn. Trưởng thôn Sáng bảo, trời mưa thì chỉ có cách đi bộ, may mà từ sáng đến giờ trời hửng nắng.
Cũng giống như nhiều thôn, bản ở vùng cao Bát Xát, những ngày này, bà con nơi đây đang thu hoạch lúa mùa. Những tràn ruộng bậc thang trải dài từ ven suối lên đến lưng chừng núi đẹp chẳng kém ruộng bậc thang Sa Pa hoặc Y Tý. Năm nay mưa ít, nhiều địa phương thiếu nước sản xuất nhưng ở Bản Giàng, nhờ diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn đã góp phần giữ nguồn nước cho những thửa ruộng bậc thang nơi đây đơm bông trĩu hạt. Vì vậy, nhà nào được mùa, tranh thủ ngày nắng, các bà, các chị nhanh tay gặt lúa, trên con đường chính dẫn vào thôn, máy tuốt lúa hoạt động hết công suất. Niềm vui càng được nhân lên khi dự án cấp điện lưới quốc gia cho thôn đã hoàn thành, chỉ còn chờ ngày đóng điện.
Trưởng thôn Sùng A Sáng bảo, từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng trạm biến áp ở thôn, bà con mong ngóng từng ngày, ấy vậy mà cũng phải mất gần 4 năm, giấc mơ có điện mới thành hiện thực.
Những ngày này, anh Sùng A Dinh, cộng tác viên của Điện lực Bát Xát khu vực xã Pa Cheo gần như cắm bản để hỗ trợ các hộ kéo dây điện từ công tơ về nhà và lắp bảng điện, bóng điện, đồng thời hướng dẫn bà con biện pháp sử dụng điện an toàn.
Trong căn nhà của anh Sùng A Páo – hộ vừa được anh Dinh lắp đặt bảng điện – đã để sẵn 1 bóng điện chờ. Bóng điện ấy trước đây chạy bằng điện nước và chỉ được thắp sáng lúc cả nhà ăn cơm tối, sau đó phải tắt để nhường cho công việc khác như sạc điện thoại hoặc nạp điện cho đèn pin… Anh Páo cho biết, đây là nguồn điện nước kéo nhờ nhà anh em nên chỉ dám thắp 1 bóng. Sùng A Lềnh, con trai anh Páo cười bảo, thôn Tả Pa Cheo giáp ranh với Bản Giàng đã có điện cách đây gần chục năm, ngày trước còn đi học, cháu ra đến đấy chẳng muốn về nhà.
Nhà anh Lý A Sinh ở cuối thôn cũng vừa kéo xong đường dây điện từ công tơ về. Nhà xa nên chi phí mua dây điện nhiều hơn các hộ khác, anh Sinh bảo tốn kém một chút, nhưng Nhà nước đã kéo điện về thôn rồi, mình tự kéo thêm dây điện có đáng là bao.
Mường tượng ngày ánh điện chiếu sáng ở thôn, bà con nơi đây có bao dự định, đã có những hộ rục rịch mua tivi để xem tin tức, mua tủ lạnh tích trữ thức ăn tươi hơn, mua máy xát gạo, xay ngô chạy bằng điện… Trưởng thôn Sùng A Sáng cho biết: Thôn có 58 hộ thì 36 hộ nghèo mà kỳ thực những hộ ra khỏi diện nghèo và cận nghèo cũng không khá hơn là bao. Mai kia có điện, bà con sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, học hỏi được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Tại điểm trường Bản Giàng, các cô giáo mầm non có lẽ cũng vui mừng không kém bà con trong thôn. Đây là điểm trường khó khăn nhất trên địa bàn xã nên thông thường nhà trường phân công các cô vào dạy luân phiên từng năm. Đang ở điểm trường khác dẫu xa xôi, khó khăn nhưng ít ra còn có điện, có mạng internet xem được tin tức, đọc báo còn đỡ buồn, chứ ở đây tối đến mọi thứ chìm trong màn đêm, buồn não ruột. Cô Hầu Thị Dương, giáo viên mầm non điểm trường Bản Giàng bảo, năm nay đúng là may mắn khi chúng tôi được phân công lên đây dạy thì Nhà nước kéo điện về. Có điện, các cô giáo sẽ sử dụng được máy tính, tivi, trình chiếu hình ảnh minh họa bài giảng giúp trẻ tiếp thu bài nhanh, hiệu quả hơn, rồi mùa đông đến có thể dùng quạt sưởi xua đi lạnh giá ở vùng cao này.
Chủ tịch UBND xã Pa Cheo – Lý A Khoa cho biết: Bản Giàng là thôn khó khăn nhất xã Pa Cheo, thời gian qua, xã đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu. Ánh điện về thôn, lại thêm đường giao thông hoàn thành sẽ giúp bà con có thêm động lực thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.