Truyền thông nhà nước Iran đưa tin rằng cuộc tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái và tên lửa của nước này nhằm vào Israel sáng sớm ngày 14/4 đã giáng “những đòn nặng nề” vào căn cứ không quân của Israel ở sa mạc Negev.
Hãng thông tấn chính thức IRNA cho biết “căn cứ không quân quan trọng nhất của Israel ở sa mạc Negev là mục tiêu tấn công thành công của tên lửa Kheibar”, đồng thời xác nhận thêm rằng “hình ảnh và dữ liệu cho thấy căn cứ này đã hứng chịu những đòn tấn công nặng nề”.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Daniel Hagari ngày 14/4 cho biết trong đợt tấn công của Iran đã có hàng chục quả tên lửa đạn đạo được phóng đi, trong đó một số quả đã rơi xuống Israel, “gây thiệt hại nhẹ” cho một căn cứ quân sự ở miền Nam.
Ông Hagari cho biết thêm hầu hết các tên lửa Iran đã bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tầm xa Arrow và rơi bên ngoài lãnh thổ của Israel. Ngoài ra, máy bay chiến đấu của Israel cũng đánh chặn thành công hàng chục tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) của Iran.
Ông Hagari cho hay tổng cộng Iran đã phóng hơn 200 vật thể về phía Israel song lưu ý đợt tấn công vẫn chưa chấm dứt.
Kênh truyền hình Channel 12 đưa tin Nội các Chiến tranh của Israel ngày 14/4 đã được Nội các An ninh nước này trao quyền quyết định các hành động phản ứng đối với cuộc tấn công của Iran.
Điều này đồng nghĩa với việc Nội các Chiến tranh – bao gồm 3 thành viên: Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Benny Gantz – sẽ không cần hỏi ý kiến Nội các An ninh trước khi đưa ra các hành động đáp trả nhằm vào Iran.
Nhà chức trách Israel thông báo, không phận nước này sẽ đóng cửa với tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi vào lúc 22h30 GMT ngày 13/4 (5h30 sáng 14/4 giờ Việt Nam). Iraq cũng đã đóng cửa không phận và ngừng mọi hoạt động bay nội địa. Jordan, quốc gia nằm giữa Iraq và Israel, trước đó cũng đóng cửa không phận.
Trong động thái phản ứng đầu tiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công trực tiếp từ Iran và sẽ đáp trả tương xứng.
Lý do từ phía Iran
Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) ngày 14/4 tuyên bố rằng hành động quân sự của nước này chống lại Israel dựa trên Điều 51 của Hiến chương LHQ, để đáp trả vụ tấn công đẫm máu gần đây của Tel Aviv vào cơ sở ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus, Syria.
Trong tuyên bố được hãng tin chính thức IRNA trích dẫn, phái đoàn thường trực của Iran tại LHQ viện dẫn Điều 51 của Hiến chương LHQ cho phép phòng thủ hợp pháp, để bảo vệ hành động tấn công trả đũa của mình bằng máy bay không người lái nhằm vào Israel đêm 13/4 (rạng sáng 14/4 theo giờ Việt Nam).
Phái đoàn Iran tại LHQ cũng cho rằng nếu Hội đồng Bảo an lên án cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở Syria và sau đó truy tố thủ phạm, thì có lẽ đã tránh được việc Iran trả đũa Israel.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Lloyd Austin để “thông báo về các phản ứng sắp tới đối với cuộc tấn công của Iran”.
Phản ứng của các nước về căng thẳng Iran – Israel
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã lên án mạnh mẽ những diễn biến căng thẳng hiện nay giữa Iran và Israel, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ “leo thang tàn khốc” trên toàn khu vực. Ông kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến đối đầu quân sự lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông.
Ngay sau khi hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của Iran được phóng vào lãnh thổ Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh hàng đầu để xem xét tình hình, đồng thời cam kết sẽ bảo vệ Israel bằng mọi giá trước các cuộc tấn công của Iran.
Trong khi đó, chính phủ Anh thông báo đang gửi thêm máy bay chiến đấu đến Trung Đông và sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công trên không khi cần thiết sau khi Iran tiến hành các cuộc tấn công vào Israel.
Về phần mình, Đức cảnh báo rằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào Israel có thể “đẩy cả một khu vực vào hỗn loạn”, đồng thời kêu gọi Tehran ngừng các cuộc tấn công.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez bày tỏ “quan ngại sâu sắc nhất” về vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel, hối thúc các bên tránh leo thang căng thẳng bằng mọi giá. Ông đồng thời cho biết, Chính phủ Tây Ban Nha đang liên lạc với các đại sứ quán trong khu vực nhằm hỗ trợ cho công dân nước này. Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro cũng hối thúc Iran, Israel và các bên liên quan kiềm chế để tránh leo thang bạo lực.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã tái khẳng định quan điểm của nước này, trong đó nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông – khu vực vốn rất nhạy cảm đối với hoà bình và an ninh toàn cầu.
Theo Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, việc ngăn chặn bất kỳ đợt leo thang căng thẳng nào nữa tại Trung Đông là rất quan trọng. Các động thái khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn sẽ chỉ dẫn đến “hậu quả thảm khốc”.
Khuyến cáo công dân trước căng thẳng Iran – Israel
Giữa lúc căng thẳng leo thang như vậy, hàng loạt các quốc gia đã khuyến cáo công dân hạn chế tới Israel và Iran.
Trong một thông báo ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã khuyến cáo công dân không nên đến Iran và Israel cho đến khi có thông báo mới, với lý do tình hình căng thẳng trong khu vực. Bộ trên nói thêm rằng, công dân Ấn Độ ở hai nước này nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tối đa về an toàn và hạn chế di chuyển ở mức tối thiểu. Trước đó, các quốc gia bao gồm Mỹ và Nga đã ban hành khuyến cáo đi lại tương tự cho nhân viên ngoại giao và công dân trong khu vực.
Cùng ngày, Pháp cảnh báo công dân bắt buộc hạn chế đi lại trong những ngày tới Iran, Liban, Israel và các vùng lãnh thổ Palestine. Ngoại trưởng Stephane Sejourne cũng yêu cầu sơ tán thành viên gia đình của các nhà ngoại giao Pháp ở Iran và không cử công chức Pháp nào đi công tác tới các quốc gia trong danh sách.
Trong khi đó, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã gia hạn lệnh đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Thủ đô Tehran của Iran cho đến ngày 18/4 và các chuyến bay sẽ không bay qua không phận Iran trong thời gian đó.
Hiện hãng hàng không Austria là hãng hàng không Tây Âu cuối cùng vẫn giữ các chuyến bay tới Iran và cũng cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Vienna đến Tehran cho đến ngày 18/4 để ứng phó với căng thẳng leo thang trong khu vực.
“Các tuyến bay đi qua không phận Iran cũng sẽ được điều chỉnh. Sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn của chúng tôi được ưu tiên cao nhất”, hãng hàng không này cho biết trong một tuyên bố.