Với giống quýt đặc biệt và kỹ thuật chăm bón tốt nên quýt Mường Khương có hương vị thơm ngon khác biệt với các vùng khác, trở thành một đặc sản mà chỉ ở Mường Khương mới có.
Cây quýt bén duyên mảnh đất vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai vào năm 2002, từ một người nông dân Tu Dí Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương.
Vùng đất Mường Khương từ xưa có tên gọi là Mưng Khảng, theo tiếng địa phương dịch ra nghĩa là “đất thép.”
Theo các vị cao niên trong vùng kể lại, tên gọi như vậy xuất phát từ thực tế đất đai tại địa phương dốc và nhiều núi đá, đất đá ở đây cỗi cằn và rắn chắc chẳng khác gì sắt thép.
Mường Khương nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, lại có tiểu vùng khí hậu ôn đới, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, sương mù và độ ẩm cao khiến cho chất lượng quýt và các loại trái cây có múi được trồng ở đây vượt trội hơn hẳn các nơi khác.
Do vậy, mặc dù thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng với một giống quýt đặc biệt và kỹ thuật chăm bón tốt nên quýt Mường Khương có hương vị thơm ngon khác biệt với các vùng khác, trở thành một đặc sản mà chỉ ở Mường Khương mới có.
Quýt Mường Khương được ưa chuộng với đặc trưng trái to vỏ mỏng, quả đều nhau, dậy mùi thơm, vị ngọt thanh, đặc biệt là rất mọng nước.
Quýt Mường Khương trái to vỏ mỏng, quả đều nhau, dậy mùi thơm.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 348ha quýt tập trung tại các xã Tả Ngải Chồ, Lùng Khấu Nhin, Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, thị trấn Mường Khương.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa, toàn huyện Mường Khương hiện có 815ha quýt, trong đó, diện tích cho thu hoạch năm nay là 491ha, được trồng tập trung tại các xã Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Pha Long, Lùng Khấu Nhin và thị trấn Mường Khương.
Hiện tại, có khoảng 1.500 hộ dân tại các xã trên địa bàn huyện tham gia trồng quýt, bình quân 1ha quýt mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm.
Quýt Mường Khương chín rải vụ, chín bói từ tháng 9 và thu hái các giống quýt khác đến tháng 12, chia ra thành các loại quýt chín sớm, quýt chính vụ và quýt chín muộn.
Mường Khương cũng đã khuyến khích nông dân mở rộng vùng trồng quýt gắn với phát triển loại hình trải nghiệm du lịch vườn quýt.
Do đó, thông thường hằng năm, thời điểm tháng 11, quýt chín rộ, dịp cuối tuần, rất nhiều vườn quýt ở Mường Khương đã đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm chụp ảnh và hái quýt, mua quýt về làm quà.
Người nông dân trong thị trấn Mường Khương thu hoạch quýt.
Hiện tại, huyện Mường Khương đã có 212ha quýt được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhiều năm qua, nhiều hộ nông dân ở Mường Khương đã được ngành nông nghiệp hướng dẫn, tập huấn thực hành canh tác quýt theo phương pháp hữu cơ chuẩn VietGAP, không dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay các sản phẩm kích thích tăng trưởng.
Cây quýt không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người trồng mà còn góp phần quảng bá du lịch thị trấn Mường Khương.
Đến Mường Khương vào mùa quýt chín, du khách sẽ lạc trong rừng quýt bát ngát, trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức trái cây đặc sản này trong hương thơm lừng vấn vít không gian.
Nắm thời cơ, nhiều hộ trồng quýt đã mở cửa phục vụ khách tham quan và thu hái, mua quýt tại vườn. Đây cũng là dịch vụ thu hút khách mỗi khi quýt vào vụ và giải tỏa nỗi băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm so với quýt bày bán tại chợ.
Suốt nhiều năm qua, quýt Mường Khương đã khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. Đến nay, thị trấn Mường Khương đã có hơn 261,8ha quýt, tại 10 thôn với 350 hộ trồng.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao này đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, góp phần xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tại địa phương.
Đây là đặc sản thứ 3 của Lào Cai (sau sản phẩm ớt và gạo Séng Cù) được công nhận nhãn hiệu gắn với địa danh, giúp các sản phẩm này có chỗ đứng vững và vươn xa hơn trên thị trường.