Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí. Cơ quan này đề xuất tiếp tục giảm 10 – 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian áp dụng từ 1/7 – 31/12 năm nay. Mức giảm dự kiến 10 – 50%.
Cụ thể, với lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng mức thu bằng 50% quy định.
Phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường thu bằng 70% quy định. Phí khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện thu bằng 80% quy định. Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay thu bằng 90% quy định.
Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB bằng 80% mức quy định.
Lệ phí cấp căn cước công dân cũng dự kiến giảm 50% so với quy định. Phí trong lĩnh vực y tế thu bằng 70% mức quy định.
Bộ Tài chính đề xuất giảm lệ phí cấp hộ chiếu và 35 khoản phí, lệ phí khác.
Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều khoản phí, lệ phí được giảm nhằm hỗ trợ thành lập công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tư vấn chứng khoán.
Việc giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán trừ 2 khoản: Lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán; phí giám sát hoạt động chứng khoán.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu tiếp tục đề xuất gia hạn nhiều khoản thuế. Cơ quan này đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến 31/12/2024.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục chính sách giảm thuế VAT từ tháng 7 đến cuối năm 2024 là hết sức cần thiết.
Theo ghi nhận của VCCI, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%. Khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hoá đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.
Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.