Đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; hơn 300 đại biểu tham dự là lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng và đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất – nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics…
Nhiều thách thức đối với hoạt động xúc tiến thương mại và xuất – nhập khẩu
Theo đánh giá tại hội nghị, phần lớn doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh. Công tác phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên. Giá trị xuất khẩu còn thấp, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, đa dạng và khả năng cạnh tranh chưa cao, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, gia công. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc.
Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất sản phẩm hạn chế.
Công tác xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, nhất là quy hoạch phát triển các sản phẩm xuất khẩu gắn với nhu cầu của thị trường còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện chuyển đổi số một số nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử còn khó khăn; nhiều doanh nghiệp của vùng chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Linh, Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Mặc dù là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại biên giới, được quan tâm về hạ tầng giao thông, cửa khẩu nhưng kết quả xuất – nhập khẩu của toàn vùng những năm qua chưa đạt như kỳ vọng.
Đồng chí Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá: Nhiều tổ chức hỗ trợ thương mại của vùng đang thiếu cả về nguồn nhân lực và tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại. Các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những hàng hóa mà vùng hiện có, chưa song hành đẩy mạnh với hoạt động phát triển sản phẩm để có thể bán những sản phẩm hàng hóa mà thị trường có yêu cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu của vùng chủ yếu bao gồm các hoạt động tình thế, chưa có chiến lược dài hơi, chưa tập trung mạnh vào các lĩnh vực tham gia hội chợ triển lãm, các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài do thiếu kinh phí.
Theo đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các cơ chế, chính sách, ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu và các khu cửa khẩu chưa có tính đặc thù và vượt trội, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nên chưa tạo được bứt phát trong sản xuất hàng hóa và thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu.
Cần đẩy mạnh liên kết vùng
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng, để phát triển kinh tế của vùng, các chương trình xúc tiến thương mại cần được quan tâm, đẩy mạnh tổ chức nhiều hơn nữa, với quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao nhằm mang lại ích lợi, cơ hội và nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các hoạt động này cũng góp phần tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá, giới thiệu nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ưu thế của vùng để tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu.
TikTok đã kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các địa phương với chuyên gia về chuyển đổi số, các nhà bán hàng uy tín trên nền tảng nhằm hỗ trợ giải đáp thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm khi chuyển đổi mô hình bán hàng trên nền tảng số.
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. Ưu tiên phát triển chế biến thực phẩm tại khu vực các tỉnh Sơn La, Phú Thọ; chế biến nông sản tại khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… Tăng cường liên kết vùng, nghiên cứu xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, trao đổi thông tin giữa các địa phương trong vùng trong việc phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ. Trọng tâm là điều phối hoạt động phát triển vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư vào chế biến.
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Với mục tiêu xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất – nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu của cả vùng và cả nước, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, một trong những ưu tiên là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, trước hết ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với xuất – nhập khẩu. Đẩy nhanh hình thành trung tâm logistics cho hàng nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương trong vùng tính toán, liên kết với nhau để thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng. Từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác giá trị sản phẩm tốt nhất. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh, xúc tiến xuất khẩu trọng tâm cho từng giai đoạn, từng khu vực thị trường mục tiêu. Xây dựng tốt nhất mô hình liên kết phù hợp, khi đó mỗi mắt xích trong các chuỗi này đều được hưởng lợi, từ đó từng bước cân bằng phát triển kinh tế nội vùng.
Các doanh nghiệp trong vùng cần đẩy mạnh hợp tác, kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng tại từng thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo từng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất – nhập khẩu luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hỗ trợ các doanh nghiệp trong vùng phát triển thị trường xuất – nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển năng động hơn nữa, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.