Tính đến thời điểm này, Lào Cai đã hoàn thành các mục tiêu trên, trở thành 1 trong 11 địa phương trên cả nước hoàn thành mục tiêu của Chính phủ đề ra. Điển hình như trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cơ quan chuyên môn đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai các dịch vụ giáo dục theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện 610/610 cơ sở giáo dục đã công bố số tài khoản thanh toán chung; các cơ sở giáo dục tích cực phối hợp với các ngân hàng, các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ để triển khai tại cơ sở. Lào Cai cũng là địa phương có kết quả cao trong thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, với 376/610 cơ sở đã cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt: Mã vuông QR (chuyển khoản/thanh toán), qua website (chuyển khoản/thanh toán)… Các cơ sở giáo dục đã thành lập tổ giúp đỡ, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện việc thanh toán các dịch vụ giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt. Số tiền giao dịch không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục đạt khoảng 4 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Nam Cường, thành phố Lào Cai) cho biết: Con trai lớn của tôi đang học trung học, con trai thứ hai đang học tiểu học. Thế hệ của tôi, mỗi lần cần nộp tiền đều phải mang đến trường nộp, nhưng nay các trường học đã thu học phí, các khoản đóng góp đầu năm, tiền ăn bán trú bằng hình thức chuyển khoản. Điều này tiện lợi rất nhiều cho phụ huynh. Nhờ đó, chúng tôi có thể nắm rõ các khoản thu và các con mà không cần cầm tiền đến lớp nộp.
Trong lĩnh vực y tế, 14/14 bệnh viện đã triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh không dùng tiền mặt bằng một trong các hình thức như chuyển khoản qua ứng dụng Mobile banking, quét mã QR… Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ở mức “khiêm tốn”, chỉ đạt 21% tổng số giao dịch được thực hiện.
Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cơ quan chuyên môn đã đẩy mạnh việc chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay có gần 35.000 người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản ATM cá nhân, đạt 72%.
Trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, việc chi trả trợ cấp xã hội, an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người có công và thân nhân người có công đã góp phần thực hiện chính sách này hiệu quả hơn. Hiện có hơn 2.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng có tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thương mại, đạt 74,35%.
Chị Tráng Thị Nguyệt, công chức lao động, thương binh và xã hội xã Lùng Vai (huyện Mường Khương) cho biết: Người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp đôi khi vì không có thời gian hoặc lý do sức khỏe đã trì hoãn việc đến trụ sở nhận trợ cấp. Để thuận tiện, thời gian qua, nhiều người được hưởng trợ cấp an sinh xã hội có tài khoản ngân hàng đã đăng ký chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt. Việc chi trả qua tài khoản cũng tạo thuận lợi hơn cho những người thực hiện công tác này, hạn chế việc nhầm lẫn, việc chi trả kịp thời hơn…
Đối với dịch vụ công, tỉnh Lào Cai có 607 (100%) thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện có 157/327 (48%) thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến; có 87.996/139.804 (63%) hồ sơ thủ tục hành chính được thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 374 ngày 14/11/2022 triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện. Thời gian qua, hạ tầng thanh toán (các cổng thanh toán trực tuyến, hệ thống ngân hàng, ví điện tử, giao hàng thu tiền hộ, thông qua các dịch vụ viễn thông Mobile money) ngày càng phát triển và các tiện ích được tích hợp, việc chia sẻ dữ liệu được thực hiện đã góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai, việc thanh toán trực tuyến mang lại nhiều thuận lợi, dễ thực hiện đã giúp đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu về thanh toán số. Các ngân hàng và các ngành có liên quan cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, thúc đẩy việc thanh toán trực tuyến ngày càng được sử dụng rộng rãi, theo đúng định hướng để người dân là đối tượng thụ hưởng chính từ hoạt động chuyển đổi số.