Tại UBND thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát), mỗi khi có người dân đến làm các thủ tục hành chính, công chức của thị trấn phải dành thời gian cầm tay chỉ việc, hỗ trợ kê khai đầy đủ các thông tin trên cổng dịch vụ công. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thị trấn Bát Xát cho biết, khó khăn địa phương gặp phải khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đó là trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, nhiều người ít được tiếp xúc công nghệ thông tin, chưa biết sử dụng máy vi tính hay internet, không có điện thoại thông minh… nên không thể thực hiện thủ tục trực tuyến.
Vì vậy, công chức ở bộ phận một cửa thường xuyên phải dành thời gian hỗ trợ bà con thực hiện nhập thông tin hồ sơ, ảnh hưởng tới công việc khác. Để giải quyết khó khăn trên, giải pháp duy nhất của địa phương đó là đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số tới từng khu dân cư.
Phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai là địa phương được đánh giá cao trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, với 100% thủ tục đã được tiếp nhận và xử lý trực tuyến. Bà Bùi Thị Phương Thảo, Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu cho biết, thời gian tới, phường tiếp tục triển khai hiện đại hóa nền hành chính, khai thác, sử dụng tốt các phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đã được cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Lào Cai đặc biệt quan tâm, hướng tới xây dựng chính quyền số. Trong 3 tháng đầu năm 2024, UBND thành phố và các xã, phường tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình đối với 9.070/9.493 hồ sơ, đạt 95,5%; thực hiện thanh toán trực tuyến đối với 7.563/8.890 hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, đạt 85%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố tồn tại một số hạn chế nhất định như: Một số địa bàn, đặc biệt là các xã người dân không biết đến dịch vụ công trực tuyến, đa số người dân vẫn có thói quen trực tiếp đến cơ quan nhà nước để được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; trình độ dân trí và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ công nhiều khi còn bị lỗi người dân phải thực hiện nhiều lần dẫn đến người dân không muốn thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
Ông Ngô Vũ Quốc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết, để góp phần nâng cao hơn hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, thành phố đã đưa ra một số giải pháp gồm: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn những lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh rà soát và công khai các thủ tục hành chính trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện chuẩn hóa và xây dựng các tiêu chí cụ thể để xác định các thủ tục hành chính có thể được cung cấp trực tuyến. Nâng cao giao diện của cổng dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi và dễ thao tác thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt là xây dựng, duy trì hoạt động cổng Thông tin điện tử của chính quyền cấp xã và các trang mạng xã hội (như zalo, facebook…) của UBND cấp xã để tăng cường tương tác, hướng dẫn cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân…
Tính đến đầu năm 2024, số dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cập nhật trên cổng dịch vụ công của tỉnh là 1.323 dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 44.48%; tỷ lệ thủ tục hành chính được cấu hình thanh toán trực tuyến đạt 100%.
Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024, tỉnh Lào Cai sẽ đưa 35 danh mục dịch vụ công trực tuyến thực hiện thí điểm không tiếp nhận hồ sơ giấy (dịch vụ công toàn trình) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các dịch vụ công toàn trình, gồm: Cấp tỉnh 29 thủ tục; cấp huyện 4 thủ tục; cấp xã 2 thủ tục.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND về thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn năm 2024. Với mục tiêu, tăng cường chỉ đạo thúc đẩy hiệu quả việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích khác trên hệ thống Cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh nhằm tăng lượng giao dịch về DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
UBND tỉnh chỉ đạo cần tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc cung cấp DVC trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao số lượng hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến, hoàn thành các chỉ tiêu về cung cấp, sử dụng DVC trực tuyến của tỉnh, nhất là các DVC trực tuyến toàn trình thực hiện thí điểm không tiếp nhận hồ sơ giấy.