Phát triển cây dược liệu quý và thoát nghèo
Thị xã Sa Pa hiện có 210 ha cây dược liệu, gồm: atiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Đến nay, với hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguồn dược liệu tại địa phương, giúp mang lại doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2014 – 2020, huyện Bắc Hà phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trồng thử nghiệm 22 loại cây dược liệu. Qua thực hiện cho thấy, địa bàn huyện phù hợp với 8 loại cây dược liệu, gồm actiso, đương quy Nhật Bản, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, bạch truật, đẳng sâm. Huyện duy trì hơn 163 ha cây dược liệu, giá trị bình quân đạt trên 160 triệu đồng/ha/năm…
Hơn 10 năm nay, cây atiso được nông dân thị xã Sa Pa trồng theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Lá được bán với giá 2.300 đồng/kg cho doanh nghiệp liên kết để nấu cao; phần củ, hoa và thân bán ra thị trường vào cuối vụ thu hoạch.
Trồng atiso đã giúp gia đình ông Mã A Cau, tổ 2, phường Hàm Rồng thu khoảng 120 triệu đồng/năm, trong khi vẫn với diện tích đất đó trước đây trồng ngô, thu nhập chỉ hơn chục triệu đồng.
Tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, loại hình chăm sóc sức khỏe này đang rất phát triển. Hiện địa phương đang tập trung chỉ đạo, bảo tồn 65 ha rừng tự nhiên, với trên 256 loài cây thuốc quý.
Phần lớn cây thuốc tắm phân bố chủ yếu trong hệ sinh thái tự nhiên, việc khai thác quá mức và không theo quy hoạch sẽ làm cho diện tích và trữ lượng tài nguyên này bị giảm, cần phải được quản lý, bảo tồn, đảm bảo cung ứng bền vững nguồn dược liệu quý. Nhận thức rõ điều này, thôn Tả Chải đã thành lập Đội bảo tồn nguồn cây dược liệu quý với 65 ha rừng tự nhiên của xã. Ông Lý Phù Chìu, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: “Trong thôn hiện có 1 tổ 10 hộ dân phân chia 2 người/tuần tuần tra bảo vệ nguồn cây thuốc quý trong khu rừng tự nhiên của xã”.
Đây là một trong những vườn ươm giống các loại cây dược liệu quý bản địa của gia đình ông Tẩn Phù Quang ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn. Với mong muốn bảo tồn nguồn cây dược liệu bản địa, gia đình đã lấy các cây có sẵn trong tự nhiên về ươm, sau đó trồng dặm dưới tán rừng. Cách làm này sẽ cung cấp lâu bền nguồn dược liệu quý. Ông Tẩn Phù Quang, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: “Tôi đang ươm những cây thuốc quý để bán cho các doanh nghiệp. Việc ươm bán cây giống thuốc kinh tế cũng ổn định hơn”.
Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: “Các doanh nghiệp, HTX thu mua nguồn dược liệu này cũng phải chủ động ươm nguồn giống cây dược liệu trồng dưới tán rừng để phát triển nguồn dược liệu quý”.
Với trên 256 loài cây thuốc, xã Tả Phìn hiện đang triển khai nhiều giải pháp trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn giống cây thuốc bản địa quý hiếm.
Đây là cách để duy trì các giá trị truyền thống, văn hóa và tri thức bản địa, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ rừng, cũng như tăng thu nhập bền vững từ rừng cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Ươm cây dược liệu quý tại thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.
Khảo sát trồng 17 loại dược liệu quý
Sa Pa có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cũng như khí hậu rất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Dược liệu là 1 trong 5 loại cây chủ lực được tỉnh Lào Cai lựa chọn thực hiện theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm các cây: chè, dứa, chuối, quế, dược liệu.
Thời gian qua, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã phối hợp với thị xã Sa Pa và các đơn vị nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại thị xã Sa Pa.
Trên cơ sở khảo sát đã lựa chọn được 8 địa phương, khu vực phù hợp để trồng 17 loài dược liệu, tại phường Hàm Rồng và các xã: Mường Bo, Liên Minh, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Bình, Trung Chải với tổng diện tích 280 ha. Lựa chọn và xây dựng mô hình khu sơ chế, chế biến dược liệu đặt tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc thôn Cửa Cải, xã Ngũ Chỉ Sơn với diện tích khoảng 7,39 ha.
Có thể nói, Sa Pa có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cũng như khí hậu rất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu, mang lại thu nhập ổn định và việc làm tại địa phương cho người dân.