Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Nông lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai (ảnh trên). Những công việc không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: tạo giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; kiểm soát dịch bệnh trên giống cây trồng… đã được các em thực hiện thuần thục. Em Trần Đức Mạnh, sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Bây giờ cơ hội việc làm rất nhiều, nhiều cơ sở đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nên là rất cần những kỹ sư vừa học xong”.
Năm học 2024 – 2025, Khoa Nông – Lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai tuyển sinh được hơn 70 sinh viên, cao gấp đôi so với năm học trước. Con số này đã khẳng định sức hút của sinh viên với lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường tập trung vào đầu tư hệ thống nhà lưới, phòng thí nghiệm trang bị hiện đại để nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên. Giảng viên Dương Thị Thanh Hương, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Hiện nay, phân hiệu cũng đang thực hiện các mô hình, ký kết hợp tác với đơn vị, doanh nghiệp để đưa các em đi thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”.
Ngành thú y đang được Trường Cao đẳng Lào Cai chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ngoài các mã ngành đào tạo trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua, Trường Cao đẳng Lào Cai tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy của ngành thú y, trong bối cảnh nhân lực cho ngành này đang rất “khan hiếm”. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng ngay từ đầu vào, nhà trường cũng ưu tiên đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại, dành nhiều thời gian cho sinh viên thực hành sau khi học lý thuyết trên lớp. Bà Trương Thị Xuân, Phó Trưởng Khoa Nông Lâm và Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai chia sẻ: “Hàng năm đều có sự thay đổi về chương trình đào tạo, đáp ứng được với sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội. Xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực 4.0, cách mạng giáo dục xanh, chương trình xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu tuyển sinh và đào tạo tối thiểu cho 13.000 lao động; đưa tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 50%. Với sự chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực sẽ giúp cho Lào Cai từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
Thế Long-Thành Thuận