Mặc dù đang trong những ngày nghỉ lễ nhưng đơn vị thi công là liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng dân dụng và công trình văn hóa Việt Nam với Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Thái Minh vẫn duy trì từ 17 đến 20 công nhân tiếp tục công việc hạ giải (tháo dỡ) phần công trình cũ gồm tòa đền chính, nhà tả vu, hữu vu.
Anh Nguyễn Khánh Hòa phụ trách kỹ thuật cho hay: Ngoài đảm bảo an toàn lao động, công việc hạ giải đòi hỏi phải thực hiện tỉ mỉ, đảm bảo giữ nguyên trạng để có thể tái sử dụng cho các công trình khác. Các công nhân tích cực thi công không kể ngày nghỉ, tránh tình trạng chậm tiến độ đề ra.
Để đảm bảo công tác tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Đền Thượng và Đền Am, thành phố Lào Cai đã có thông báo tạm dừng các hoạt động tham quan, chiêm bái, thực hành nghi lễ tại Đền Thượng và Đền Am từ ngày 16/4 đến 31/8/2024 (tức ngày 8/3 đến 28/7 âm lịch). Đồng thời, Ban Quản lý Di tích thành phố đã hoàn thành việc di chuyển tượng pháp, đồ thờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công tiến hành hạ giải.
Lần trùng tu này Đền Thượng và Đền Am được xây mới hoàn toàn, theo đó, diện tích đền đều được mở rộng. Cụ thể, đối với Đền Thượng, diện tích tòa đền chính sẽ tăng từ 151 m2 lên 251 m2; nhà tả vu, hữu vu tăng từ 51 m2 mỗi nhà lên 74 m2; sân đền mở rộng từ 230 m2 lên hơn 300 m2 và làm mới cổng nghi môn nội cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác. Đối với Đền Am, diện tích tăng từ 58,7 m2 lên 103 m2.
Thời gian thi công từ ngày 15/4, dự kiến hoàn thành khoảng ngày 10/8/2024. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Thượng, Đền Am do Ban Quản lý Di tích thành phố làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí khoảng 47 tỷ đồng được trích từ nguồn tiền công đức và xã hội hóa.
Đền Thượng thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – người đã có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non sông đất nước – tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705), theo kiến trúc hình chữ Công. Năm 1996, Đền Thượng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, cây đa tại Đền Thượng cũng được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Hằng năm, thành phố Lào Cai đều tổ chức lễ hội Đền Thượng vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, chiêm bái, tỏ lòng thành kính trước công đức của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.
Ông Ngô Ngọc Hà, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố Lào Cai cho biết: Đền Thượng đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Lần đại trùng tu này vừa tròn 100 năm đền được chuyển lên vị trí hiện nay. Sau khi trùng tu, Đền Thượng và Đền Am có diện tích rộng hơn, đẹp hơn đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách thập phương nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc cổ thời nhà Trần.
Với tính chất đặc biệt của công trình nên công tác hạ giải (tháo dỡ) cũng khác với những công trình khác, đòi hỏi thực hiện thủ công. Công nhân cẩn trọng tháo dỡ từng viên ngói, vì kèo, xà gồ và các cấu kiện khác đảm bảo nguyên trạng. Sau khi hoàn thành việc tháo dỡ, Hội đồng đánh giá di tích của thành phố sẽ tiến hành đánh giá phần nào được tái sử dụng, phần nào đưa vào bảo quản để tái sử dụng khi cần.
Sau khi hoàn tất việc tháo dỡ, đảm bảo yêu cầu mới được tiến hành xây dựng các hạng mục tiếp theo theo kế hoạch.