Trường Đại học Huế.
Trong kỳ xếp hạng này, ngoài 5 cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng kỳ trước (Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội), Việt Nam có thêm 1 đơn vị được xếp hạng là Trường Đại học Huế.
Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay đã có sự gia tăng từ vị trí trong nhóm 951-1000 lên nhóm 851-900 các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục được đánh giá cao bởi nhà tuyển dụng khi 2 tiêu chí có mức điểm cao nhất là “Uy tín tuyển dụng” (xếp hạng 472 thế giới) và “Kết quả tuyển dụng” (xếp hạng 202 thế giới – gia tăng 197 bậc so với lần xếp hạng trước).
Tiêu chí “Kết quả tuyển dụng” được đánh giá thông qua 2 chỉ số là “Tác động của cựu sinh viên” và chỉ số “Việc làm của người học tốt nghiệp”. Trong đó, chỉ số “Tác động của cựu sinh viên” được tính toán thông qua đo lường thành tích xuất sắc và ảnh hưởng của cựu người học (các giải thưởng quốc tế như Nobel, UNESCO; là thành viên hội đồng quản trị của các công ty trên 38 sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu; có mặt trong danh sách Forbes và Time; là lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ toàn cầu quan trọng và giữ vị trí quan trọng trong chính phủ quốc gia).
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng tăng bậc trên bảng xếp hạng, ở vị trí 901-950 (năm trước thuộc nhóm 951-1.000) các đại học tốt nhất thế giới. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có 3/9 tiêu chí thuộc top 500 thế giới, gồm: Uy tín tuyển dụng (hạng 389), Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (hạng 466) và Uy tín học thuật (hạng 481).
Vị trí xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam gồm: Trường Đại học Duy Tân (vị trí 495 – năm trước vị trí 514); Trường Đại học Tôn Đức Thắng (711-720 – năm trước vị trí 721-730); Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Huế cùng trong nhóm 1201-1400.
QS WUR 2025 là lần thứ 2 QS sử dụng bộ tiêu chí mới gồm 9 tiêu chí và không có sự thay đổi trọng số so với kỳ xếp hạng trước, gồm: Uy tín học thuật; Uy tín tuyển dụng; Tỷ lệ cán bộ khoa học/người học; Số trích dẫn/cán bộ khoa học; Tỷ lệ cán bộ khoa học quốc tế; Tỷ lệ người học quốc tế; Mạng lưới nghiên cứu quốc tế; Tỷ lệ có việc làm của người học tốt nghiệp; Phát triển bền vững.
Trong kỳ xếp hạng lần này, QS đã xếp hạng cho 1.503 cơ sở giáo dục đại học (có 21 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên được xếp hạng) trong tổng số 5.663 cơ sở giáo dục đại học tham gia từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khu vực Đông Nam Á có 84 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng tại Bảng xếp hạng QS WUR 2025. Trong đó, Malaysia là quốc gia Đông Nam Á có nhiều cơ sở giáo dục được xếp hạng nhất (28), tiếp theo là Indonesia (26), Thái Lan (13), Việt Nam (6), Phillipines (5), Singapore (4) và Brunei (2). Tuy chỉ có 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhưng Singapore vẫn cho thấy vị thế hàng đầu khi có 2 cơ sở giáo dục đại học trong nhóm 20 thế giới gồm: Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 8 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng thứ 15.
Trong top 10 thế giới, các cơ sở giáo dục của Anh và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì vị thế với việc mỗi quốc gia đều có 4 cơ sở giáo đại học nằm trong top 10. Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị trí số 1 trong 12 năm liên tiếp; Trường Đại học Imperial (Anh) giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng QS WUR 2025.