Hiện nay, vùng trồng Su su ở huyện Sa Pa có trên 150ha, trong đó có trên 100ha sản xuất tập trung ở vùng Ô Quý Hồ, khu Viôlet (thị trấn Sa Pa).
Trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp là điều kiện lý tưởng đã tạo lợi thế cho người trồng rau ở Sa Pa phát triển cây Su su với các sản phẩm mang tính đặc trưng, như quả Su su và ngọn Su su.
Thu hái quả Su su.
Do được trồng ở độ cao 1.500m, với màu mỡ đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao, nên đã tạo cho Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Rau Su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.
Có một đặc điểm khác biệt so với Su su trồng ở các địa phương khác, là rau Su su Sa Pa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, có những gốc Su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm. Sau mỗi một mùa thu hoạch từ tháng 4 – 11 hàng năm, người dân lại cắt bỏ các dây Su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết rét đậm đầu năm kéo dài, lại có tuyết rơi nên mùa thu hoạch Su su ở Sa Pa muộn hơn so với mọi năm.
Nông dân Sa Pa lựa chọn Su su đóng gói để vận chuyển đi tiêu thụ.
Hiện tại, rau Su su đang được Hợp tác xã Hoa Đào tiến hành xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm, đóng gói, có bao bì, mẫu mã nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu Su su Sa Pa trở thành một sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, mang lại thu nhập cao cho nông dân Sa Pa.