Từ dải đất ven sông đầy rẫy bom mìn, trắng dân sau chiến tranh biên giới, đến nay màu xanh đã trở lại trên mảnh đất Tân Tiến, xã Trịnh Tường (Bát Xát).
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, diện mạo nông thôn nơi đây đã từng bước đổi thay, các công trình hạ tầng được đầu tư đã giúp bà con yên tâm ổn định cuộc sống, góp phần giữ gìn đường biên mốc giới.
Căn nhà khang trang ở ngay đầu thôn là của Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến – Đặng Văn Thanh. Xung quanh nhà là vườn cây ăn quả bạt ngàn với đủ thứ quả như mít, ổi, chuối… Những ngày này, ổi, mít đang cho thu hoạch, thương lái đến thu mua tại vườn. Gia đình anh Thanh là hộ đầu tiên ra định cư ở thôn biên giới này từ năm 1997 khi thôn mới được thành lập. Ngày ấy cả vùng đất ven sông Hồng này chỉ toàn cây bụi, lau lách, đường sá chưa có, điều kiện sống thiếu thốn. Nhìn vùng đất ven sông màu mỡ bị bỏ hoang sau chiến tranh biên giới, anh Thanh không khỏi xót xa và tự nhủ sẽ quyết tâm trả lại màu xanh cho mảnh đất này.
Lật từng bụi cây dọn sạch đất, sau đó lần tìm nguồn nước, những giọt mồ hôi của hai vợ chồng thấm đẫm trên từng thớ đất mới có được thành quả như ngày hôm nay. Chị Nguyễn Thị Dần, vợ anh Thanh kể: Khi ấy mình ở Tân Quang ngay trục đường chính chuyển ra biên giới ở, nhiều người cho là gàn dở. Mình chỉ nghĩ mỗi tấc đất biên cương này đều được đánh đổi bằng bao xương máu của các thế hệ đi trước thì nay phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và cách tốt nhất là làm cho mảnh đất ấy trở nên trù phú.
Cách nhà anh Thanh, chị Dần không xa là căn nhà của gia đình chị Phàn Lở Mẩy và anh Phàn Kim Sinh. Gia đình anh Sinh, chị Mẩy trước đây ở thôn Tùng Chỉn 3 khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước di dân ra khu vực biên giới, gia đình anh chị đã xung phong đi đầu tiên. Gắn bó với mảnh đất này từ những ngày còn nhiều khó khăn đến nay, gia đình chị đã có kinh tế ổn định nhờ mô hình vườn ươm chuối mô.
Chị Mẩy cho biết: Trước đây mình sang bên kia biên giới làm thuê sau đó học được kỹ thuật trồng chuối của nước bạn và mua giống về trồng ở dải đất biên giới Tân Tiến này. Đến mùa thu hoạch các đầu mối chuyên xuất khẩu đến thu mua nên đầu ra thuận lợi.
Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, từ khi dịch bệnh xuất hiện, việc xuất khẩu khó khăn, nguồn chuối mô giống cũng khó mua hơn nên hai vợ chồng đã tự học hỏi làm giống. Sau nhiều lần thất bại, đến nay gia đình đã làm chủ được kỹ thuật ươm giống với tỷ lệ sống cao, cây khỏe, được nhiều nơi trong tỉnh tin tưởng, tìm mua. Chị Mẩy cho biết: Trung bình mỗi năm, gia đình bán hơn mười vạn cây giống, nguồn thu sau khi trừ chi phí khoảng 300 – 400 triệu đồng.
Thoáng chốc đã 25 năm trôi qua, cuộc sống của người dân thôn Tân Tiến từ chỗ khó khăn, thiếu thốn về vật chất, cơ sở hạ tầng thì đến nay mọi thứ đã thực sự thay da đổi thịt, kinh tế các hộ dân ngày càng ổn định. Trong thôn có nhiều mô hình cho thu nhập cao nhờ trồng chuối, cây ăn quả, cây dược liệu.
Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Những ngày đầu thực hiện chủ trương di giãn dân ra biên giới, các hộ dân đều được hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống. Những năm qua, với sự quan tâm của Nhà nước, thôn Tân Tiến cũng được ưu đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, nước sạch, điểm trường mầm non…
Cùng với thi đua phát triển kinh tế, bà con cũng tích cực tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Nhiều nguồn tin có giá trị được người dân trong thôn cung cấp giúp chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng kịp thời xử lý các vụ việc. Nhờ đó, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, vận chuyển hàng cấm cơ bản được kiểm soát, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.