Ngày 2/4 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ” với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị và dễ hòa nhập cuộc sống.
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đang can thiệp cho hơn 40 trẻ mắc tự kỷ, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân điều trị tại viện. Trẻ được can thiệp bằng mô hình đa phương pháp như ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu hoặc các liệu pháp y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp – bấm huyệt). Các bác sỹ còn áp dụng một số phương pháp khác như trị liệu giác quan, âm nhạc trị liệu để quá trình can thiệp cho trẻ đạt hiệu quả cao.
Chị Nguyễn Thị H. (xã Cam Đường, thành phố Lào Cai) đã đồng hành với con mắc hội chứng tự kỷ trong 2 năm tâm sự: Ban đầu, khi con có dấu hiệu chậm chạp, không thích giao tiếp, hay nói một mình, tôi chỉ nghĩ do con ít có bạn chơi cùng. Tuy nhiên, sau khi đi khám, bác sỹ nói rằng con có dấu hiệu của bệnh tự kỷ, cần can thiệp sớm, tôi rất sốc và lo lắng cho cuộc sống của con. Sau đó, vợ chồng tôi đã động viên nhau đồng hành với con.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng sớm nhận ra những dấu hiệu bất thường của con để đưa đi can thiệp sớm. Đã có những trường hợp cha mẹ thiếu hiểu biết nên để lỡ mất giai đoạn vàng can thiệp cho con. Cũng có trường hợp cha mẹ biết về tình trạng bệnh của con nhưng không chấp nhận sự thực hoặc mang tâm lý xấu hổ nên không thừa nhận bệnh, dẫn đến trẻ không được can thiệp sớm, khiến tình trạng của trẻ nặng thêm, không hòa nhập được với xã hội.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: Khi cha mẹ đưa con tới khám cũng sẽ được tư vấn để vượt qua các giai đoạn cảm xúc như: sốc rồi đau buồn, tức giận và phủ định bệnh của con; đổ lỗi cho nhau hoặc đổ lỗi cho chính mình; so sánh con với những đứa trẻ khác hoặc cảm thấy cô đơn khi chưa kết nối được với trường hợp cùng hoàn cảnh để chia sẻ cảm xúc hoặc chưa tiếp cận được các dịch vụ y tế trong quá trình chữa trị cho con.
Ngày 2/4 là ngày Thế giới nâng cao nhận thức về tự kỷ. Những hoạt động truyền thông trong ngày này được đẩy mạnh đã và đang góp phần phổ biến kiến thức về tự kỷ để nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp cha mẹ có con bị tự kỷ hiểu hơn về bệnh, giúp số lượng trẻ được can thiệp tại bệnh viện hoặc các trung tâm ở lứa tuổi sớm hơn.
Trong ngày Thế giới nâng cao nhận thức về tự kỷ, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh sẽ tổ chức khám miễn phí sàng lọc sớm và tư vấn cho trẻ có dấu hiệu tự kỷ dưới 36 tháng và khám, tư vấn trực tuyến trên trang facebook của bệnh viện. Trong chiến dịch khám sức khỏe ngoại viện được tổ chức vào tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh có kế hoạch tổ chức khám sức khỏe cho trẻ tại các trường mầm non, qua đó giúp sàng lọc trẻ tự kỷ, giải thích về bệnh và hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ để có hướng đi tốt nhất cho con.
Nhiều cha mẹ có con mắc tự kỷ khi cho con đi can thiệp sớm đã đạt kết quả, như trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp có thể vào được lớp 1; một số trẻ tình trạng nặng có thể biết chữ cái, đếm số, mua bán hoặc chủ động tự phục vụ bản thân. Việc cha mẹ sớm đối diện sẽ giúp trẻ không may mắc tự kỷ có một tương lai tốt đẹp hơn.