Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của nhiều gia đình người Mông ở xã Pa Cheo (Bát Xát) đói nghèo vì lỡ sa vào thuốc phiện. Có người mất mạng, bán nhà, bán con khi lỡ dính “nàng tiên nâu”.
Cậu bé Tẩn Sành Tịnh kém may mắn khi sinh ra trong gia đình cả bố và mẹ nghiện ma túy, 2 chị gái bị bố mẹ bán đi để mua thuốc phiện. Năm Tịnh lên 12 tuổi, cả bố và mẹ đều qua đời, Tịnh sống lang thang nay đây mai đó, lấy hang đá, rừng cây làm nhà, chăn trâu cắt cỏ thuê cho người dân trong thôn để có bữa ăn qua ngày.
Một ngày, Tịnh lang thang từ thôn Tả Pa Cheo 2 (xã Pa Cheo) sang thôn Sùng Bang (xã Phìn Ngan) thì gặp ông Tẩn Díu Tờ. Thấy Tịnh ngoan ngoãn, chịu khó, ông Tờ đề nghị: Có về nhà bác làm con nuôi không?”. Tịnh rụt rè gật đầu. “Trong tâm thức người Dao, nhận con nuôi cũng có nghĩa là nhận “thần may mắn” ngụ trong nhà mình, vì vậy chúng tôi luôn đối xử với con nuôi như con đẻ” – ông Tờ nhớ lại.
Gia đình ông Tờ có 5 con gái nên Tịnh được bố mẹ yêu quý. Ở với bố mẹ nuôi, Tịnh không chỉ được cho ăn, cho mặc, đến tuổi trưởng thành, Tịnh được ông Tờ tin tưởng gả cho cô con gái lớn, rồi xin cho tham gia lớp học xóa mù chữ ở địa phương…
Với giọng khàn đục và hơi lơ lớ của người Dao, anh Tịnh trải lòng: Tôi trở thành người Dao từ lâu rồi, lấy vợ người Dao, sinh sống theo phong tục, tập quán người Dao. Các con tôi cũng là người Dao, nói tiếng Dao, sinh hoạt theo phong tục, tập quán của người Dao… Mặc dù đây không phải là nơi sinh ra, dòng máu người Dao không chảy trong huyết quản nhưng tôi vẫn đau đáu sống làm sao để đền đáp lại công ơn những người đã “khai sinh” cho tôi lần thứ 2.
Được nhận làm con nuôi, anh Tịnh có nhà, có người thân, ngày ngày giúp bố mẹ làm nương, chăn trâu, cắt cỏ. Sau khi lập gia đình, anh luôn trăn trở tìm cách để cả gia đình thoát được nghèo.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên tại Sùng Bang phù hợp để phát triển kinh tế lâm nghiệp, anh mạnh dạn chuyển đổi 5 ha đất kém hiệu quả sang trồng quế. Đến nay, anh đã có đồi quế hơn 9 vạn cây. Ngoài quế, anh còn trồng thêm sa nhân, thảo quả, dưa hấu, nuôi gà, lợn đen bản địa… Anh cũng là người tiên phong nuôi cá nước lạnh tại Sùng Bang. Hiện anh có 5 ao nuôi cá tầm, với khoảng 7.000 con, dự kiến xuất bán khoảng 2 tấn cá lứa đầu vào cuối tháng 12 này.
Với bà con vùng cao, đa phần mỗi năm chỉ cấy 1 vụ lúa , còn lại để ruộng bỏ hoang. Vụ đông – xuân năm 2009, anh Tịnh mạnh dạn cấy thêm 1 vụ lúa. Anh nhớ lại: Ngày ấy, bà con trong thôn cản tôi. Họ nói bao đời nay không ai cấy được lúa 2 vụ trên ruộng này cả. Thế nhưng bỏ hoang đất, lãng phí quá nên tôi muốn thử nghiệm xem kết quả tới đâu. Vụ đầu tiên lúa phát triển tốt, bông mẩy hạt, chín đều. Thấy vậy, bà con bắt đầu trồng theo. Từ đó, đất ruộng vùng cao ở Sùng Bang không còn bỏ hoang nữa.
Từ gieo trồng, chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Tịnh thu từ 200 đến 300 triệu đồng, có những năm thảo quả, sa nhân được mùa, được giá, thu nhập lên tới 300 đến 400 triệu đồng. Kinh tế gia đình vững chắc, anh hỗ trợ 10 hộ mua fibroximăng lợp nhà. Anh còn cho bà con vay thảo quả, sa nhân giống để cùng nhau làm kinh tế, thoát nghèo.
Năm 2006, anh Tịnh được tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn. Anh cùng bà con “quy hoạch” khu vực thả trâu, trồng ngô, trồng sắn, mở ruộng bậc thang cấy lúa nước, đưa giống mới, năng suất cao vào gieo trồng. Rừng quế, sa nhân, ao cá tầm của gia đình anh trở thành địa chỉ để các hộ trong thôn tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Nhiều hộ nhờ sự hỗ trợ của anh Tịnh đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá.
Không chỉ hỗ trợ bà con trong thôn Sùng Bang, anh Tịnh còn giúp đỡ người dân khó khăn ở thôn Tả Pa Cheo 2 – nơi anh sinh ra. Anh trực tiếp đến thôn giúp bà con trồng thử nghiệm một số cây trồng và các loại rau tăng vụ. Nhiều hộ tìm được hướng sản xuất mới từ sự giúp đỡ của anh.
Trời tờ mờ sáng, đường đến điểm trường mầm non Sùng Bang đã rộn rã tiếng trẻ. Đây là nơi học tập của 11 cháu từ 2 – 5 tuổi được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, có sân chơi rộng rãi. Trước kia, điểm trường cũ là ngôi nhà nhỏ, nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở nên ngày mưa lớn phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Xã đã có chủ trương tìm đất để xây dựng trường mới, Trưởng thôn Tẩn Sành Tịnh cùng Bí thư Chi bộ thôn “rủ nhau” hiến 600 m2 đất để xây trường.
Anh Tịnh bảo: Từng sống trong đói nghèo, bản thân từng không được học hành đến nơi đến chốn nên tôi thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn khi không biết chữ. Mảnh đất của gia đình có giá trị thật nhưng không đáng giá bằng tương lai của các con, các cháu.
Cách đó không xa còn có tuyến đường trục thôn dài 1,8 km nối từ thôn Sùng Bang tới trung tâm xã. Để làm tuyến đường này, anh Tịnh đã hiến 300 m2 đất, đồng thời vận động người dân đóng góp hơn 1.000 ngày công, khai thác cát, sỏi, mua thêm xi măng cùng nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đổ bê tông. Năm 2022, anh còn huy động người dân đóng góp 210 triệu đồng cùng hàng chục ngày công đổ thêm 200 m đường ngõ xóm.
“Được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, người có uy tín, tôi luôn ý thức trách nhiệm trong mọi công việc được giao, làm việc gì cũng đặt lợi ích của bà con lên trên hết. Khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tin tưởng, giao nhiệm vụ thì dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất. Muốn bà con tin tưởng, làm theo thì bản thân trưởng thôn phải thực sự gương mẫu, đi trước, làm trước và nói được, làm được” – anh Tịnh chia sẻ.
Sùng Bang hôm nay bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng quế, nhiều ngôi nhà đã được xây khang trang, kiên cố, nhiều ao cá tầm đã sẵn sàng vào vụ thu. Ông Lý Thanh Vủi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan cho biết: Sự đổi thay hôm nay của Sùng Bang có một phần công sức của anh Tịnh – trưởng thôn gương mẫu, dám nghĩ, dám làm.