Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở việc cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó sẽ trở thành thương hiệu Gạo Việt Nam…
2023 là năm bội thu cùng những kỷ lục lịch sử mới của lúa gạo Việt Nam. Người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ, chúng ta vẫn trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Đây là niềm tự hào, nhưng không thể mãi dừng ở hạt gạo!
Việt Nam là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước. Ngày nay, có được nhiều thành quả là nhờ sự tích luỹ của bao nhiêu thế hệ để lại. Từ những đỉnh núi cao chót vót trên Tây Bắc đến những đồng bằng phì nhiêu, gần như chỗ nào người Việt cũng có thể trồng lúa, tạo ra hạt gạo trắng ngần, thơm tho, giàu dưỡng chất.
Ở đó, hộ có điều kiện thì canh tác quy mô lớn với máy móc hiện đại, còn hộ có vài vuông ruộng nhỏ thì gàu sòng dân dã. Cứ thế, hạt giống gieo xuống, rồi đến ngày lúa trổ bông chín vàng đồng. Sau hạt lúa là hạt gạo, sau hạt gạo là hạt cơm trong bữa ăn hàng ngày.
Lúa gắn liền với văn hoá và tâm thức người Việt. Cây lúa, hạt gạo, bữa cơm đã đi vào lời ăn, tiếng nói, hòa quyện vào đời sống văn hóa, tinh thần khắp đất nước như biểu tượng của sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết gia đình, bạn bè gần xa.
Các cuộc cách mạng trong ngành lúa gạo Việt Nam đã từng diễn ra. Từ cải cách ruộng đất đến khoán 10, khoán 100, trao ruộng đất vào tay nông dân. Từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ các giống lúa bản địa đến nghiên cứu lai tạo các giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao…
Nhiều người nói chúng ta có diện tích đất trồng lúa lớn? Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định không phải vậy. Ngồi trên máy bay nhìn xuống cánh đồng sẽ thấy các thửa ruộng như những miếng vá chằng chịt, mỗi người nông dân vài sào. Bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên quy mô hộ của nước ta thuộc diện thấp nhất thế giới.
Ông nhớ lại, nhiều thập kỷ về trước, “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo toan thường nhật. Dần theo năm tháng, hạt gạo không chỉ đủ đảm bảo bữa ăn hằng ngày của gần trăm triệu người Việt mà còn mang theo hình ảnh đất nước bốn ngàn năm lịch sử vươn xa toàn cầu.
Việt Nam trở thành cường quốc lúa gạo trên thế giới. Xuất khẩu gạo mang về vài tỷ USD mỗi năm là minh chứng. Gạo Việt không chỉ bán cho nước nghèo, mà dần tiến vào thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu… Những túi gạo in thương hiệu “Vietnam Rice” tự tin hiện diện trên quầy kệ của các chuỗi siêu thị lớn toàn cầu. Hạt gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới, vào thực đơn của chính khách, là sự lựa chọn của các đầu bếp nổi tiếng. Và hạt gạo là một câu chuyện thần kỳ, là niềm tự hào của người Việt.
Cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng
Nhưng không có gì bất biến! Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.
“Trong chuyến đi châu Âu vừa qua, tôi nói với các doanh nghiệp giờ đây người tiêu dùng không mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm, thậm chí mua luôn văn hoá sản xuất và văn hoá của người kinh doanh. Tức, người tiêu dùng ngoài đòi hỏi chất lượng cao thì còn yêu cầu cách tạo ra sản phẩm cao cấp đó có trách nhiệm với môi trường và xã hội hay không”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông dẫn chứng quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của châu Âu đối với hải sản. Ở đây, họ không chỉ mua con cá mà còn xem con cá đó đánh bắt có đúng quy trình hay không. Gạo Việt Nam cũng sẽ như vậy!
Trồng lúa là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân. Đứng trước bất kỳ sự thay đổi nào đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi, sẽ càng khó khăn hơn.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan không phải đơn thuần là khoanh vùng trồng lúa chất lượng cao. Đây chính là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng mới trong sản xuất để chứng minh cách Việt Nam tạo ra hạt gạo là minh bạch, trách nhiệm.
Đồng bằng sông Cửu Long là “vựa lúa gạo” lớn nhất của Việt Nam, song cũng là 1 trong 5 đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Xâm nhập mặn, sụt lún, hạn hán… diễn ra ngày càng khốc liệt ở nơi đây. Thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa, chúng ta không chỉ có 9 triệu tấn gạo chất lượng cao, người nông dân còn có thể bán được tín chỉ carbon nâng cao thu nhập. Đồng thời, truyền đi thông điệp, chúng ta không đong đo đếm trên diện tích, năng suất mà tìm kiếm những giá trị mới, thích ứng với tăng trưởng xanh, tuần hoàn, phát thải thấp.
Bộ trưởng Hoan ‘khoe’, ông vừa gửi thư cho các doanh nghiệp đầu ngành mời họ tham gia trực tiếp vào đề án 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi, đây là những “đại bàng” lớn sẽ dẫn dắt hàng triệu “chim sẻ” cùng tạo ra hệ sinh thái ngành hàng vững mạnh.
Theo ông, trong nông nghiệp nói chung và trong ngành hàng lúa gạo nói riêng, người nông dân luôn là trung tâm, doanh nghiệp trở thành người dẫn dắt đưa sản phẩm ra thị trường. Đại bàng và chim sẻ đều phải thay đổi tư duy. Không đơn thuần là câu chuyện mua – bán theo mùa vụ, doanh nghiệp phải hợp tác với nông dân tạo ra hình ảnh mới cho hạt gạo Việt Nam, thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh. Khi và chỉ khi doanh nghiệp thực sự đồng hành với nông dân thì lúc đó chúng ta mới có thể thành công đề án 1 triệu ha.
Đất Mẹ hào sảng hòa với tâm sức của con người, gieo trồng mầm xanh, sẽ tạo nên những mùa vàng bội thu. Xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của ngành lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Bộ trưởng nông nghiệp kỳ vọng, thông qua ngành lúa gạo sẽ lan toả sang các ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Rồi mai đây, chăn nuôi và thuỷ sản… cũng phải chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, minh bạch và trách nhiệm.
“Bán văn hoá cảm xúc ở trong gạo”
Không thể mãi dừng ở hạt gạo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra, phải đa giá trị cho hạt gạo, mở không gian cho cây lúa. Tại Mù Cang Chải (Yên Bái), nông dân trồng lúa đâu chỉ có bán lúa, bà con bán cảnh quan trên những thửa ruộng bậc thang cho du khách nghỉ dưỡng ở các khách sạn, homestay.
Đi Hải Dương, ông cũng rất mê cách làm lúa – rươi – cáy ở Tứ Kỳ. Trước kia, trồng lúa đơn thuần nông dân chỉ thu 30-50 triệu đồng/ha. Giờ làm lúa – rươi – cáy, bà con Tứ Kỳ thu vài trăm triệu đồng mỗi ha. Con rươi, con cáy phải sống trong môi trường sạch, không hoá chất. Có rươi, có cáy tức bà con có hạt gạo siêu sạch. Đây là cách đa giá trị cho cây lúa, chứng minh thương hiệu gạo rươi khác với hạt gạo trên thị trường.
Mỗi vùng miền ở nước ta đều có đặc trưng riêng. Trên ruộng bậc thang trồng lúa tuy năng suất không cao như Đồng bằng sông Hồng hay Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng kết hợp với du lịch bán cảnh quan sẽ giúp bà con có thu nhập cao gấp chục lần bán lúa. Hay như ở Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương có mô hình lúa rươi; ở Bạc Liêu có lúa tôm; Đồng Tháp có lúa cá… Chúng ta cần kể câu chuyện văn hoá lịch sử của người trồng lúa tại vùng miền cho người tiêu dùng. Lúc đó, hạt gạo không còn là hạt gạo, bán hạt gạo là bán luôn văn hoá cảm xúc ở trong đó.
Thế nên, hạt lúa chuyển sang hạt gạo đem xuất khẩu chỉ là một khía cạnh, còn rất nhiều không gian giá trị khác đem lại thu nhập cao cho người nông dân khi kết hợp với du lịch, nghiên cứu ra các sản phẩm khác… Nhìn hạt lúa gạo khác đi, thu nhập của bà con cũng khác đi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, ông muốn nhắn gửi tới hàng triệu hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp rằng: “Con đường lúa gạo không chỉ dừng ở hạt gạo. Tích hợp đa giá trị, chúng ta bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến của gạo Việt Nam. Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở việc cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó dần sẽ trở thành thương hiệu Gạo Việt Nam”.