Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam, Trung Quốc.
Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế, gồm: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy và tương lai gần có đường hàng không.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với tổng diện tích 15.929,8ha có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ và là 1 trong 9 Khu Kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư.
Lào Cai có lợi thế phát triển du lịch phong phú, đặc sắc do đặc thù địa hình nên một số vùng (Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát…) được ưu đãi có khí hậu ôn đới trong lòng đất nước nhiệt đới. Ngoài ra, Lào Cai còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, như có dãy Hoàng Liên, với đỉnh Fansipan cao 3.143m (được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương). Lượng khách bình quân tăng trưởng giai đoạn 2015 – 2018 đạt 26,7%, năm 2018 đạt 4.246 triệu lượt khách, năm 2020 dự kiến đạt trên 5,5 triệu lượt khách/năm.
Lào Cai có thế mạnh phát triển về công nghiệp do sở hữu trên 35 loại khoáng sản, có những loại khoáng sản có trữ lượng rất cao như: Mỏ apatit trữ lượng 2,5 tỷ tấn; mỏ sắt Quý Sa trữ lượng 120 triệu tấn; trữ lượng quặng đồng trên 100 triệu tấn…
Lào Cai đã hình thành nhiều Khu, cụm công nghiệp lớn, tỷ lệ lấp đầy tỉnh đến hết năm 2018 đạt 95%, trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng là khu công nghiệp luyện kim, hóa chất lớn nhất cả nước, tập trung nhiều dự án công nghiệp lớn như: Nhà máy luyện đồng công suất 10.000 tấn/năm (đang nâng thêm công suất 20.000 tấn/năm); Nhà máy phân bón DAP số 2 Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm; Tổ hợp Dự án Công ty Cổ phần hóa chất Đức Giang gồm axit photphoric 160.000 tấn/năm, axitsunfuaric 80.000 tấn/năm, DCP 50.000 tấn/năm, supe lân 200.000 tấn/năm, phốt pho vàng công suất 100.000 tấn/năm; 20 nhà máy chế biến phân bón, hóa chất các loại…
Bởi sở hữu khí hậu đặc thù nên sản xuất nông nghiệp Lào Cai, nhất là các sản phẩm nông nghiệp trái mùa, giá trị cao của Lào Cai rất có tiềm năng. Hiện tại đã hình thành các vùng cây dược liệu, chè chất lượng cao, rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, chuối, dứa, nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi đại gia súc, trong đó cây dược liệu nằm trong vùng quy hoạch quốc gia Việt Nam. Hết năm 2018 diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.953,2 ha, giá trị sản phẩm bình quân đạt 249,29 triệu đồng/ha/năm.
Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 01 trường chuyên nghiệp (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên); 14 trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (trong đó có: 01 trường Cao đẳng, 01 trường Trung cấp; 12 trung tâm giáo dục nghề nhiệp (11 trường công lập, 01 trường tư thục), ngoài ra có 4 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Viễn thông: Mạng lưới viễn thông 3G, 4G phủ sóng toàn tỉnh.
Ngân hàng: 14 hệ thống chi nhánh ngân hàng, 02 quỹ tín dụng đáp ứng nhu cầu giao dịch, 11/14 ngân hàng có hoạt động thanh toán biên mậu với Trung Quốc.
CTTĐT