Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y.
Nguyên tắc kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở
Theo Điều 36 Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT, nguyên tắc kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở được quy định rõ như sau:
Kiểm tra vệ sinh thú y căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Việc kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở nêu tại điểm d mục 2 Phụ lục I hoặc cơ sở làm hồ sơ đề nghị được kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y (theo yêu cầu của nước nhập khẩu) thực hiện theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Thông tư này.
Các loại Giấy chứng nhận có giá trị tương đương Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y bao gồm: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GLOBALG.A.P.), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000), Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cơ sở có một trong các loại giấy chứng nhận trên không phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, trừ trường hợp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Mẫu lấy từ các cuộc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở phải được phân tích bởi phòng thử nghiệm có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định.
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi Điều 36- Nguyên tắc kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở như sau:
Căn cứ kiểm tra vệ sinh thú y: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở nêu tại điểm d mục 2 Phụ lục I hoặc cơ sở làm hồ sơ đề nghị kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y (theo yêu cầu của nước nhập khẩu) thực hiện theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Thông tư này.
Việc kiểm tra định kỳ điều kiện vệ sinh thú y chỉ áp dụng với các cơ sở chưa được chứng nhận (trừ trường hợp cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng khi kiểm tra đột xuất không đạt yêu cầu vệ sinh thú y): Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GLOBALG.A.P.); Thực hành sản xuất tốt (GMP); Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000; Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS); Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC); Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000); an toàn dịch bệnh; đủ điều kiện chăn nuôi; đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Dự thảo nêu rõ, việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở xuất khẩu thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc chủ hàng.
Mẫu lấy từ các cuộc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở phải được phân tích bởi phòng thử nghiệm có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cơ quan có thẩm quyền kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y gồm:
1- Cục Thú y đối với các cơ sở xuất khẩu; cơ sở hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; cơ sở hỗn hợp xuất, nhập khẩu.
2- Chi cục Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y đối với các cơ sở nhập khẩu; cơ sở hỗn hợp nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể như sau:
– Chi cục Thú y vùng I: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái.
– Chi cục Thú y vùng II: Hải Phòng, Thái Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
– Chi cục Thú y vùng III: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
– Chi cục Thú y vùng IV: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định.
– Chi cục Thú y vùng V: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông.
– Chi cục Thú y vùng VI: Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
– Chi cục Thú y vùng VII: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
– Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh: Quảng Ninh.
– Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn: Lạng Sơn.
– Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai: Lào Cai.
3- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh đối với cơ sở không thuộc điểm 1, điểm 2 nêu trên và phục vụ tiêu dùng trong nước.
Yêu cầu đối với trưởng đoàn, thành viên đoàn kiểm tra và người lấy mẫu
Theo dự thảo, trưởng đoàn là lãnh đạo cấp phòng trở lên hoặc công chức có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về thú y, chăn nuôi thú y.
Đoàn kiểm tra có ít nhất 01 thành viên được tập huấn về đánh giá điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở do Cục Thú y tổ chức; có ít nhất 01 thành viên có trình độ từ đại học trở lên về một trong các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản.
Người lấy mẫu phải có chuyên môn về một trong các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản; có giấy chứng nhận tham gia đào tạo hoặc tập huấn có nội dung về lấy mẫu.