Đứng trên lưng trời, Sa Pa mang khí hậu cận nhiệt đới, ôn đới nên trở thành trung tâm nổi tiếng nghỉ dưỡng mùa hè. Không dừng ở đó, Sa Pa còn là thủ phủ của cây trồng xứ lạnh có giá trị kinh tế cao.
Thương người Sa Pa chỉ có một vụ lúa, ngô nên thiên nhiên bù lại cho những cây màu xứ lạnh. Dù mang gen hàn đới nhưng những cây đó cũng phải nhìn theo lúa, ngô mà nảy mầm, chín hạt. Khi bị sâu bệnh, hạn hán, lúa không thành bông, ngô chẳng nên bắp thì cây pa, cây xèo chống chịu được nắng hạn, lại cần cù bòn màu mỡ sót lại trong đất cằn để sây bông, chắc hạt. Trong hàng lương thực phụ có khoai sọ, khoai riềng khi vào đông khô xác lá để chuyển dinh dưỡng thành tinh bột vào trong củ vừa bở, vừa bùi. Khoai không chỉ là thực phẩm hằng ngày mà khi đói kém, củ nhỏ cũng đánh tan tiếng kêu lèo xèo trong bụng. Đậu, lạc vốn là thực phẩm tích trữ làm thức ăn nhưng ngày xưa đậu tương chỉ nhà giàu mới dùng trong những ngày có việc lớn.
Sa Pa mùa vàng. Ảnh: P.V
Qua tháng tết, hết hội chơi xuân là lúc người người khoác lù cở hối hả lên nương trồng ngô. Tra xong nương ngô lại vác cuốc đi tra lúa. Vừa rẫy cỏ vừa bổ hốc tra cà chua, rau, đậu, bí, bầu… Khi lên nương vun gốc ngô, làm cỏ lúa đã có rau ăn, có đồ giải khát về mời người già, làm quà cho trẻ nhỏ. Tuy dân dã, không phải hàng thượng hảo hạng nhưng rau quả giúp người làm nương xua tan mệt nhọc.
Su hào, cải xoong, xà lách… nhập về Sa Pa từ khi có cao trạm nghỉ dưỡng, nhanh chóng thích nghi với vùng đất mới. Ngày nay, giao thông thuận lợi nên giữa mùa hè nắng nhưng ở các siêu thị miền xuôi vẫn có su hào, bắp cải trồng ở Sa Pa. Mùa hè đến bất cứ nơi nào trên đất Sa Pa cũng gặp những giàn su su lúc lỉu quả như vô vàn bóng đèn xanh dịu mát. Cuối thu lên Sa Pa, thế nào du khách cũng mang về thứ quà đặc biệt là quả su su giống để giữa đông, giàn su su giống Sa Pa lại xanh tươi dưới đồng bằng, ra quả, góp mặt trong bữa ăn những ngày xuân ấm áp.
Chè ngát xanh bên dãy Hoàng Liên. Ảnh: Ngọc Bằng
Sa Pa còn là chiếc nôi của rau giống mùa đông. Chuyện kể rằng ngày trước, từ miền xuôi nghèo khổ, chàng thanh niên Phạm Khả Vòi lên Sa Pa kiếm kế sinh nhai. Đất rộng người thưa, chợ búa có một người mua nhưng bốn, năm người bán. Trồng mấy luống su hào ăn không hết, bán không ai mua nên anh Khả Vòi đành để già. Qua tết, su hào ra hoa và tình cờ những hạt ấy rụng xuống đều nảy mầm tươi tốt. Từ đó, Sa Pa dần trở thành nơi sản sinh hạt giống su hào. Những năm trước, ai lên Sa Pa vào dịp lập xuân đều ngỡ ngàng trước màu hoa su hào vàng dịu từ Tả Phìn sang Sa Pả, lên phố chợ, xuống San Sả Hồ và leo lên tận lưng đèo Ô Quý Hồ. Năm 1960, các hợp tác xã nông nghiệp ở Sa Pa trồng chừng 40 ha, cho thu hoạch 6,3 tấn hạt. Đến năm 1985, nhờ chọn lọc giống tốt và chăm sóc chu đáo nên 130 ha thu tới 23 tấn. Hôm nay, từ thành phố Lào Cai đi Sa Pa, đến Km32 có biển chỉ đường lên vườn hoa hồng cổ Sa Pa nằm trên bản Sâu Chua. Ít người biết rằng mấy chục năm trước, bản người Mông (theo tiếng Quan Hỏa là đất ngồi trên đá) này từng nổi danh là nơi có sản lượng và hạt giống su hào tốt nhất vì tỷ lệ nảy mầm lên tới 95%.
Sắc hoa Sa Pa. Ảnh minh họa
Cũng như thanh niên Phạm Khả Vòi phải phiêu bạt lên Sa Pa, “tứ cố vô thân”, không nhà không cửa, chàng trai Lê Xuân Lý đành nương thân trong ngách đá nên người ta đặt biệt danh là anh Lý Đá. Ngày ngày đi làm thuê, nhặt nhạnh những củ khoai tây người Pháp bỏ đi, Lý Đá đem về vùi xuống đất để dành khi đói. Những củ khoai tây nảy mầm và ngờ đâu, mấy tháng sau củ to, củ nhỏ nhiều vô kể. Rồi từ đó, dân địa phương trồng nhiều khoai tây, Sa Pa là nơi cung cấp giống khoai tây cho miền Bắc nước ta. Cũng như quả su su, khi sắp vào vụ rét, khoai tây giống từ Sa Pa lại hối hả về đồng bằng để bát khoai tây hầm xương là món ăn sang trong mâm cơm ngày tết. Cụ Khả Vòi cùng cụ Lý Đá rủ nhau về cõi thiên thu đã lâu nhưng người Sa Pa vẫn dặn con cháu rằng: Đây không phải là huyền thoại…
Đi cáp treo lên đỉnh Phan Si Păng, du khách nhìn xuống rừng già thấy có những vạt cây, tưởng là riềng nhưng đó là thảo quả. Đây là cây bán hoang dã vì phải sống dưới tán rừng già dịu mát, trên độ cao từ 800 m trở lên so với mực nước biển. Thảo quả không cần phân bón vì nó phải lấy chất dinh dưỡng từ lớp mùn dày, chỉ cần hấp thụ một nửa lượng ánh mặt trời so với các loài cây khác. Trong đông y, thảo quả là vị thuốc có tính ấm, chữa các bệnh đường hô hấp, cảm lạnh, ỉa chảy, sốt rét. Nó còn là thứ gia vị được dùng trong bữa ăn hằng ngày của người vùng cao. Từ năm 1980, thảo quả đã trở thành dược liệu xuất khẩu và Sa Pa đã có hàng nghìn ha thảo quả cho thu nhập hàng tỷ đồng, nhiều người dân địa phương đã làm giàu từ cây trồng này.
Nông dân Sa Pa làm giàu từ hoa địa lan và cây dược liệu. Ảnh: Kim Thoa
Tại hội nghị biểu dương người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai tổ chức tháng 8/2003, có một đại biểu người Mông ở Sa Pa là Giàng A Chỉnh ở thôn Hang Đá, xã Hầu Thào là người trồng thảo quả có một không hai. Những nơi gần trồng được thảo quả không còn nữa, anh nghĩ ra cách trồng chuối rừng rồi mua giống thảo quả về trồng, với khoảng 2.000 m2 chuối. 3 năm sau, 550 khóm thảo quả đã cho anh những chùm quả đỏ thẫm. Chuối rừng và thảo quả đã giúp gia đình anh thoát khỏi cảnh làm thuê bán công sức kiếm ăn.
Sa Pa còn là quê hương của những cây dược liệu phải có bàn tay người cấy trồng, chăm sóc như mộc hương, bạch truật, đương quy… Năm 1980, nông dân Sa Pa bán cho Nhà nước gần 30 tấn dược liệu khô nhưng nhờ mở rộng diện tích lên tới 100 ha nên đến năm 1985 thu hoạch tới 90 tấn. Thời kỳ hợp tác xã là nhà, nương dược liệu cùng ruộng su hào của hợp tác trở thành sổ mua lương thực cho các gia đình xã viên.
Atiso là cây trồng chủ lực của người dân Sa Pa. Ảnh: Viết Vinh
Có người nói văn hoa rằng Sa Pa là quê hương của cô Lê, cô Mận, cô Đào. Tưởng đó là 3 thiếu nữ nhưng là 3 loại cây ăn quả. Trước tiết lập xuân chừng 1 tháng, những cây mận nở hoa như vô vàn chiếc ô khổng lồ trắng muốt. Nhiều nhất vẫn là mận Tả Van rồi đến mận tây, mận hậu… nối nhau nở hoa trắng cả bản làng. Khi màu trắng hoa mận nhường không gian cho màu xanh non của chồi tơ là lúc những cây đào e ấp nụ hồng mở cửa mùa xuân. Các giống bản địa là đào vàng, đào tuyết, đào mèo… mỗi loại có hoa màu hồng đậm, nhạt khác nhau, ít người phân biệt được loại nào với loại nào nên đều gọi chung là đào phai. Đào Vân Nam, đào Pháp… nhập cư nhưng cũng theo thời gian nở hoa cùng đào ta chào năm mới. Trong nắng sớm mai, những giọt sương long lanh đọng trên cánh hoa đào như những viên hồng ngọc lấp lánh. Giữa bảng lảng sương mù, rừng hoa đào bồng bềnh như trên thiên cung trong câu chuyện huyền thoại. Đó là chưa kể đến những loại đào mới nhập chỉ để thưởng ngoạn trong ngày tết. Ba bốn tháng sau, đào sai quả trĩu cành như tình người Sa Pa đón mời khách lên thưởng thức…
Không ồn ào, sôi động nhưng đất trời Sa Pa đã âm thầm lặng lẽ làm nên một Sa Pa trù phú trên lưng trời.