Trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu, trong bài viết trên tạp chí Thế giới đa cực nhà báo Pavel Vinodurov nhấn mạnh Nga-Việt Nam là đối tác chiến lược và những người bạn thực sự.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại Hà Nội, tháng 6/2024. (Nguồn: TTXVN) |
Theo tác giả, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm Nga nhiều lần song đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông kể từ khi đảm nhiệm chức vụ đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ cuối tháng 5/2024.
Trước đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ở Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã từng nêu những suy nghĩ, quan điểm của mình về vấn đề phát triển hơn nữa quan hệ giữa nghị viện hai nước.
Ông nhấn mạnh, Việt Nam luôn gắn bó và coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Nga, nhân dân Việt Nam ghi nhớ rất rõ sự ủng hộ, giúp đỡ chân thành của Liên Xô và nước Nga ngày nay. Quan hệ với Liên bang Nga có tầm quan trọng chiến lược và Nga là “đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Và trong Tuyên bố chung ký kết giữa Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch nước Tô Lâm về làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Việt Nam có đề cập tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác giữa nghị viện hai nước.
Tác giả bài báo nhận định, Moscow cũng nhất trí quan điểm này, vì vậy chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là một bước phát triển quan trọng để củng cố quan hệ toàn diện giữa hai nước, mở rộng tiếp xúc chính trị và kinh tế giữa Nga với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhà báo Vinodurov chỉ ra rằng chuyến thăm còn có ý nghĩa rất thời sự nếu tính đến chuyến thăm Mông Cổ vừa qua của lãnh đạo Nga sau đó tham dự Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostok, nơi đoàn đại biểu Việt Nam cũng vừa đóng vai trò rất tích cực.
Và đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhìn chung, hiện nay Việt Nam đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới với tư cách là một cường quốc khu vực. Uy tín quốc tế của đất nước châu Á ngày càng tăng lên khi thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Minh chứng cho uy tín đó là các cuộc thảo luận diễn ra tại hội trường của Đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Russky từ ngày 3-6/9.
Tại Hội nghị khoa học và thực tiễn quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác, các khía cạnh hợp tác Nga-Việt trên nhiều lĩnh vực đã được phân tích chuyên sâu. Theo một trong những người tham dự hội nghị – Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Giáo sư Thiều Văn Minh, hai nước có nền tảng vững chắc, đáng tin cậy để xây dựng quan hệ đôi bên cùng có lợi. Ông cho biết, xu hướng này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn tạo ra bầu không khí hòa bình, láng giềng tốt đẹp và ổn định trên toàn khu vực. Đây cũng là mục đích chuyến thăm Nga của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam, tác giả nhấn mạnh.
Trước thềm chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam quyết tâm phát triển hợp tác với Nga trên mọi lĩnh vực vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định trên toàn thế giới. Ông tin rằng, hợp tác liên nghị viện là một trong những nền tảng sâu sắc để phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp.
Về Phiên họp Ủy ban liên nghị viện lần thứ ba trong khuôn khổ chuyến thăm, tác giả cho rằng nên có sự tham gia của đại biểu các cấp, các khu vực vì các chủ thế lớn của Liên bang Nga như Moscow, Saint Petersburg, tỉnh miền Nam Rostov cũng rất quan tâm chú ý đến hợp tác này. Tương tự như các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Bến Tre và Cà Mau ở phía Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác với đối tác Nga.
Tuy hai nước vẫn còn nhiệm vụ chưa hoàn thành là đạt kim ngạch thương mại 10 tỷ USD, nhưng thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp hai nước đang tìm cách giải quyết các cản trở như thanh toán, hậu cần.
Và để thúc đẩy các cam kết đã được công bố trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống V.Putin, tác giả cho rằng, cần có những hỗ trợ pháp lý cho hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực năng lượng và giao thông, công nghệ thông tin và nông nghiệp, khoa học và giáo dục đại học, thương mại và đầu tư, tài chính và ngân hàng. Các lĩnh vực hợp tác hàng đầu theo tác giả trước hết là du lịch.
Sau khi nối lại đường bay thẳng, lượng người Nga lựa chọn những bờ biển, khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam cho kỳ nghỉ ngày càng tăng, nhưng vẫn cần mở thêm những chuyến bay mới để đáp ứng nhu cầu đến những địa điểm du lịch mới.
Hợp tác giáo dục giữa hai nước tiếp tục phát triển. Hàng năm, các trường đại học Nga cấp cho Việt Nam 1.000 suất học bổng. Hiện có hơn 3.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga.
Chính phủ Việt Nam đã đưa tiếng Nga vào danh sách những ngoại ngữ đầu tiên ở bậc trung học.
Một điều đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Lĩnh vực này luôn nổi bật bởi độ tin cậy và ổn định cao.
Tác giả chỉ ra rằng, đời sống và hội nhập của hơn 10 nghìn người Việt Nam sống và làm việc ở Nga cũng sẽ được đề cập trong hội đàm sắp tới vì đóng góp ngày càng tích cực của cộng đồng vào đời sống nước sở tại.