PV: Tại Lào Cai, công tác chuyển đổi số đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Hùng Dũng: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn; hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số” là 1 trong 2 lĩnh vực đột phá chiến lược giai đoạn 2020 – 2025.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo động lực cho kinh tế bứt phá. Để đạt mục tiêu đó, Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm định hướng rõ nét về lộ trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng Ban Thường trực. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến xã đã thành lập ban chỉ đạo do người đứng đầu làm trưởng ban.
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành các đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch quan trọng, như: Nghị quyết số 20 ngày 17/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ thị của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các địa phương, các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai; phê duyệt danh mục sản phẩm đặc trưng chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 – 2025; ban hành định mức, đơn giá lĩnh vực công nghệ thông tin; phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số; thành lập 1.562 tổ công nghệ số cộng đồng; ký kết kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Thông tin và Truyền thông với 24 nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cử 2 cán bộ tăng cường làm việc trực tiếp tại sở nhằm hỗ trợ công việc, đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho địa phương.
Đặc biệt, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước phê duyệt Chiến lược dữ liệu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
PV: Đồng chí đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai?
Đồng chí Vũ Hùng Dũng: Với quan điểm “Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số”, Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai được phát triển 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Đã triển khai các hệ thống phần mềm phục vụ người dân, doanh nghiệp (nền tảng cửa khẩu số, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, hệ thống phản ánh hiện trường, app công dân số Lào Cai); nhiều địa phương đã ra mắt “Mô hình chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt”; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã sử dụng hình thức đặt hàng, kinh doanh online để quảng bá các sản phẩm của địa phương, sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (laocaitrade.vn); 100% cơ sở khám – chữa bệnh đã triển khai phần mềm bệnh án điện tử; 90% dân số trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử. Toàn tỉnh đã triển khai 1.562 tổ công nghệ số cộng đồng/1.562 thôn, tổ dân phố, với sự tham gia của 7.363 thành viên.
Tính đến tháng 8/2023, tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng đạt mức cao so với mục tiêu giao của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (cấp tỉnh 98%; cấp huyện 92%; cấp xã đạt 92%).
Việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, gửi, nhận văn bản điện tử đã thực hiện ở 4 cấp. Chuyển đổi số ở Lào Cai đã thực sự tạo động lực để kinh tế – xã hội phát triển bứt phá.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2020 – 2023, hoạt động chuyển đổi số báo chí, truyền thông ở Lào Cai có bứt phá. Với phương châm “Người dân ở đâu, thông tin tới đó”, Lào Cai chú trọng phát triển các kênh thông tin chính thức trên các nền tảng số, tạo ra nhiều tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận và lan tỏa thông tin. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã ứng dụng công nghệ số vào hầu hết các công đoạn sản xuất, phát sóng, đăng tải…
PV: Thưa đồng chí, để công tác truyền thông chính sách trong giai đoạn tới đạt kết quả cao, ngành thông tin – truyền thông có những giải pháp nào?
Đồng chí Vũ Hùng Dũng: Truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, tỉnh Lào Cai rất quan tâm đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số bằng việc duy trì hiệu quả Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lào Cai; xây dựng và đưa vào vận hành 116/152 cổng thông tin điện tử cấp xã; Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai đã sản xuất các ấn phẩm truyền thông hiện đại, được thiết kế trực quan, sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; một số bài viết về truyền thông chính sách được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của công chúng.
Để công tác truyền thông thực sự hướng đến người dân, lấy người dân làm chủ thể, chính sách phục vụ lợi ích của Nhân dân, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai 5 giải pháp trọng tâm:
Tổ chức tốt công tác định hướng, hướng dẫn thông tin cho báo chí với phương châm truyền thông từ sớm, từ xa; truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong xây dựng, ban hành, thực thi chính sách.
Đổi mới hình thức cung cấp thông tin, phương thức truyền thông đảm bảo tính chủ động, xuyên suốt, thống nhất, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số (hệ thống cổng/trang thông tin điện tử, app công dân số Lào Cai, mạng xã hội…), qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại các bảng tin, màn hình tại khu dân cư nhằm góp phần lan tỏa, quảng bá truyền thông chính sách; sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, mạng xã hội để nắm các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông chính sách.
Đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. Quan tâm đặt hàng các sản phẩm báo chí hiện đại, các sản phẩm báo chí bằng các tiếng dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin chính sách của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách và nhu cầu xã hội, góp phần mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thực hiện nội dung: Phạm Vũ Sơn
Trình bày: Khánh Ly