Nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa
Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL) xác định, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035 (sau đây gọi tắt là Chương trình) là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành Văn hóa, thực hiện theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong quá trình xây dựng Chương trình, Bộ VHTTDL đã bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022.
Theo đó, triển khai các định hướng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội về việc “khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã rà soát, nghiên cứu các tài liệu về Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020; các tài liệu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam…
Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ VHTTDL đã khẩn trương soạn thảo, gửi Công văn tới các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu… xin ý kiến về đề xuất chính sách làm cơ sở xây dựng Chương trình. Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng xin ý kiến các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chương trình, đề nghị các địa phương đề xuất nhiệm vụ cụ thể, kinh phí để đưa vào Chương trình.
Bộ VHTTDL khẳng định, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Cho đến nay, căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội liên quan, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ VHTTDL đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, trong đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025 – 2035).
Theo đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình cho giai đoạn 2025 – 2035 sẽ được sử dụng để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng; đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.
Cụ thể, đến năm 2030, việc sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình sẽ hướng đến mục tiêu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa hóa – thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; hằng năm có khoảng 20 – 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Đến năm 2035, đạt các mục tiêu cụ thể: 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động; 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất; có 5 trường đại học trọng điểm và 2 Viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu – Điện ảnh và Văn hóa, ngang tầm với các nước tiên tiến trọng khu vực và thế giới.
Việc xây dựng Chương trình thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng. Bộ VHTTDL cho biết, trong thời gian tới, còn nhiều nội dung cần tiếp tục triển khai, gồm: Chính phủ thẩm định, trình Quốc hội Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Quốc hội thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình. Bộ VHTTDL lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.
Trong đó, căn cứ ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ VHTTDL hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình và dự thảo quyết định đầu tư chương trình gửi Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững
Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa – Du lịch, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giống như “nguồn sữa mẹ” để phát triển ngành văn hóa.
PGS.TS Trần Hữu Sơn cho biết: Con số 350 nghìn tỉ để đầu tư cho công cuộc chấn hưng và phát triển văn hóa không phải là con số lớn vì rất nhiều vấn đề của văn hóa cần quan tâm như xây dựng thiết chế ở các khu công nghiệp, đô thị lớn. Bảo tồn và phát triển văn hóa ở miền núi còn khó khăn và hàng nghìn di sản, di tích lịch sử, cách mạng đang cần tu bổ. Quan trọng nhất là xây dựng cơ chế đầu tư cho hiệu quả.
“Nguồn sữa mẹ” hiện nay cần đa dạng nguồn cung chứ không chỉ dựa vào Nhà nước. Ở đây cần có yêu cầu mới, nội dung đầu tư mới chứ không như các giai đoạn trước.
Chúng ta phải nhìn nhận đến sự cần thiết thực hiện nhiệm vụ có Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, đặc điểm kinh tế xã hội của nước ta khác hẳn với các giai đoạn trước. Sự đô thị hóa phát triển mạnh mẽ. Dân cư ở các khu công nghiệp, các đô thị cả nước tăng đột biến. Từ đây sẽ hình thành đô thị mới với quy mô lớn, đặc biệt cư dân đô thị cư trú ở các khu chung cư nhanh chóng ra đời chiếm tỷ lệ cao. Nếp sống đô thị trở thành nếp sống chủ đạo ở nhiều vùng.
Các loại hình công nghệ mới gắn với truyền thống, gắn với tự động hóa, hòa đồng với thiên nhiên… trở thành hiện tượng phổ biến, chi phối đời sống văn hóa người dân.
Nhu cầu văn hóa của một bộ phận người dân nâng cao, đòi hỏi sự hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, do đó cần hình thành các trung tâm văn hóa, các thiết chế văn hóa mới có khả năng giao lưu văn hóa quốc tế, thậm chí trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả khu vực và thế giới.
Trong khi đó mức hưởng thụ văn hóa, đời sống văn hóa ở nông thôn và thành thị, ở miền núi và đồng bằng, ở vùng dân tộc thiểu số và đa số ngày càng có khoảng cách lớn. Những vấn đề về an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, an ninh tộc người vẫn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát.
Như vậy, đời sống văn hóa chịu nhiều tác động của nhân tố mới, nếp sống và sinh hoạt văn hóa của người dân không như trước mà phải cần đổi mới.
“Điểm tôi rất hoan nghênh là Chương trình đã xác định một trong những trọng điểm là xây dựng con người Việt Nam, xây dựng con người mới, xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với điều kiện mới. Tuy nhiên, việc xây dựng con người Việt Nam giai đoạn này cần được lượng hóa, đầu tư cụ thể với nội dung phù hợp nhằm tạo điều kiện đầu tư thuận lợi” – PGS.TS Trần Hữu Sơn nhận định.
Nhà nghiên cứu về văn hóa này cũng cho biết thêm, cùng với đó, việc xây dựng chương trình mới hoặc một bộ phận, một nội dung “Chương trình văn hóa cơ sở” dành riêng cho các đô thị công nghiệp, các khu chung cư đông dân cư (gồm cả hạ tầng cơ sở, thiết chế hoạt động, nội dung hoạt động phù hợp). Xây dựng chương trình mới phù hợp với nền công nghệ số, văn hóa mạng nhằm phát huy hiệu quả các thành tựu của công nghệ này trong đời sống người dân.
Xây dựng các thiết chế văn hóa, các không gian sáng tạo có quy mô lớn, hiện đại trở thành biểu tượng văn hóa quốc gia ở một số thành phố.
Cuối cùng là xây dựng chương trình đào tạo nhân tài đặc biệt trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, sáng tạo văn hóa.
Cần xác định đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho nguồn lực con người, đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững.