Đồng chủ trì phiên họp có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Dự phiên họp có đồng chí Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ: Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong tháng 2 phát triển ổn định, đà phục hồi tăng trưởng tương đối tốt. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao, các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản hoàn thành theo tiến độ; toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 9.800 ha lúa xuân, 9.975 ha ngô xuân. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (TTCN) có chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN ước đạt gần 2.884 tỷ đồng (giá so sánh 2010) bằng 90,98% so với tháng trước; lũy kế đạt gần 6.054 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh thương mại – dịch vụ sôi động, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 3.470 tỷ đồng, lũy kế đạt 6.920 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được triển khai quyết liệt, lũy kế hết tháng 2 đạt 1.528 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, giá trị giải ngân đạt 594/5.791 tỷ đồng.
Tổng lượng khách đến Lào Cai trong tháng 2 đạt 538.099 lượt, lũy kế đạt gần 1,1 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch trong tháng 2 đạt 1.875 tỷ đồng, lũy kế đạt 3.541 tỷ đồng.
Chất lượng hoạt động văn hóa – xã hội được nâng lên; công tác giáo dục đạt nhiều kết quả; công tác y tế chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được quan tâm, không để các dịch bệnh lớn phát sinh trên địa bàn; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Cải cách hành chính đạt kết quả tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong tháng 2 cũng đối mặt với một số khó khăn. Đó là, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản đang hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động do vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất, không đủ khoảng cách an toàn nổ mìn, không đủ diện tích đổ thải, hạn chế về công nghệ sản xuất… làm ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, cũng như giá trị nộp ngân sách địa phương.
Giá trị công nghiệp điện nước giảm so với thời điểm quý trước do bước vào mùa khô, lượng mưa giảm, các nhà máy thuỷ điện bắt đầu bước vào thời điểm thiếu nước để hoạt động tối đa công suất hằng năm.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu đạt rất thấp so với kế hoạch đặt ra. Lưu lượng hàng hóa xuất – nhập khẩu hiện nay có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu (từ 4 – 5 lần).
Giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi chưa ổn định, có nhiều biến động. Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chăn nuôi, nhận thức, ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi của người sản xuất còn nhiều hạn chế. Công tác triển khai xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn gặp nhiều khó khăn (chủ yếu vướng mắc về thủ tục đất đai).
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã phát biểu, phân tích, làm rõ nguyên nhân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án giao thông, sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp…
Phiên họp đã dành thời gian để Sở Tư pháp báo cáo về tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh năm 2024; các nội dung lưu ý khi các văn bản pháp luật của trung ương, của tỉnh mới ban hành hoặc chuẩn bị có hiệu lực thi hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát.
Sở Du lịch báo cáo về công tác quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã nêu ra khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” đối với động lực tăng trưởng.
“Những khó khăn, vướng mắc đó đòi hỏi chúng ta cần tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng ngành, địa phương, chứ không thể để khó khăn, vướng mắc kéo dài như vậy”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Dẫn chứng cụ thể một số dự án vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguồn lực có nhưng không thể hấp thụ, mà vẫn “nằm” ở kho bạc. Các ngành, địa phương phải thấy sốt ruột, để vào cuộc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.
Nếu không dám phê bình, nói thẳng, nói thật, không kỷ luật thì công việc sẽ rất khó “chạy”, do vậy, cần phải nêu cao vai trò người đứng đầu, gắn với thực thi kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu ví dụ cụ thể tại một địa phương trong tỉnh, sau khi thay đổi một số vị trí, công việc đã được triển khai nhanh và hiệu quả hơn.
Trước mắt, cần tập trung rà soát các chỉ tiêu, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội để hoàn thành, nhất là công tác quy hoạch, các dự án đầu tư. “Các cấp, các ngành phải vào cuộc, không kể ngày đêm, sớm tối”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường ấn định thời gian cho các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành những dự án trọng điểm trong năm 2024 và năm 2025, như: hệ thống công viên trên địa bàn thành phố Lào Cai, đường Kim Thành – Ngòi Phát, cầu Phú Thịnh… Cùng với đó, rà soát lại các dự án công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ chủ đầu tư triển khai.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án khai thác khoáng sản (quặng apatit) để khẩn trương đưa vào khai thác, đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất.
Các sở quan tâm, làm tốt công tác chuẩn bị phục vụ cho buổi làm việc với các bộ; đoàn giám sát của Quốc hội.