Tối 20/10, tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La đã diễn ra Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề “Arabica, Cà phê Sơn La – Hương vị núi rừng Tây Bắc” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ hội.
Cùng dự lễ hội có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Công tác đại biểu-Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông và đại diện các đại sứ quán, khách quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm các gian hàng tại Hội chợ Triển lãm “Cà phê Sơn La – Hội nhập và phát triển”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm các gian cà phê tại Lễ hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dự Khai mạc Lễ hội Cà phê.
Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước
Phát biểu tại Lễ hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Arabica; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê; góp phần phát triển vùng trồng cà phê Arabica chất lượng cao, bền vững, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; nhằm thực hiện mục tiêu liên kết các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; đưa tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông phát biểu tại lễ hội.
Hiện, sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La.
“Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú của Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất, Tỉnh Sơn La mong muốn giới thiệu, quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản phẩm Cà phê Arabica Sơn La tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ cà phê, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm Cà phê Arabica nói riêng; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Đông nói.
Thưởng thức cà phê Sơn La là cảm nhận hương vị núi rừng Tây Bắc
Chào mừng lễ hội Cà phê lần đầu tiên được tổ chức tại Sơn La, miền đất dốc vượt lên từ gian khó đã dần trở thành thủ phủ nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cảm ơn những thế hệ lãnh đạo Sơn La luôn kiên trì hành trình vượt dốc và bày tỏ sự trân trọng với đồng bào dân tộc thiểu số, bà con nông dân Sơn La luôn tự tin biến những điều không thể thành có thể.
Chương trình văn nghệ khai mạc Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, sự kiện hôm nay, ghi dấu hành trình 70 năm Cà phê Sơn La, từ loại cây cải thiện sinh kế, đến thương hiệu đặc sản, vươn ra thế giới, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Hướng tới dấu mốc tiếp theo trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến câu chuyện hợp tác, liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị bền vững ngành hàng Cà phê Sơn La. Hợp tác giữa bà con nông dân với nhau, liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, giúp tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào, đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng, gắn kết với nhu cầu đa dạng của thị trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến câu chuyện hợp tác, liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị bền vững ngành hàng Cà phê Sơn La.
Hợp tác, liên kết sẽ giúp ngành hàng cà phê Sơn La tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương; chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đáng chú ý gần đây, có tiêu chuẩn EUDR của châu Âu quy định về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng, vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho Cà phê Sơn La nói riêng và ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Lễ hội Cà phê Sơn La là dịp để gặp gỡ, trao đổi tiếp tục hiện thực hóa về sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê của cả nước, cùng nhau gửi gắm một thông điệp với thế giới: “Nghĩ đến cà phê là nghĩ đến Việt Nam, thưởng thức cà phê Sơn La là cảm nhận hương vị núi rừng Tây Bắc”.
Chương trình nghệ thuật “Arabica Sơn La – hương vị núi rừng Tây Bắc” là điểm nhấn của Lễ khai mạc.
Nhân tháng cao điểm vì người nghèo năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Công tác đã vận động, quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm được 100 căn nhà để hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tại lễ hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trao tặng 100 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác tới dâng hương, hoa tại Đền thờ Bác Hồ – Quảng trường Tây Bắc, tỉnh Sơn La.