Theo Thông báo, công tác quản lý, điều hành giá trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chịu nhiều thách thức. Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn còn nhiều thách thức; lãi suất ngân hàng của nhiều nước còn ở mức cao. Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, gia tăng chi phí vận tải và các rủi ro về an ninh năng lượng, lương thực; hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chưa phục hồi mạnh mẽ. Giá xăng dầu, vàng, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất có biến động khó lường.
Trong nước, giá cả thị trường những tháng đầu năm biến động theo quy luật hàng năm; tăng vào 2 tháng đầu năm do trùng với thời điểm tháng Tết, giảm trong tháng 3 theo quy luật sau Tết. Trong tháng 4 và tháng 5/2024, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của người dân không cao nên mặt bằng giá nhìn chung ít biến động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5 năm 2024 tăng 1,24% so với tháng 12/2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023, nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội và kịch bản đề ra.
Để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo đó, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện; tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản; tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ Tết; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Đồng thời, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân… qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước như: giá các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới; áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; chi phí vận tải đường biển tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương… đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm, đòi hỏi các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 36/TB-VPCP, Thông báo số 193/TB-VPCP.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp…