Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc trên thế giới. Đây là khẳng định của Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam, ông Pedro De Oliveira.
Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ông Oliveira nhấn mạnh nhờ nguồn cổ vũ động viên từ chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trước quân đội Pháp, trong giai đoạn 1954 đến cuối những năm 60 của thế kỷ trước, hơn 40 dân tộc giành được độc lập từ chế độ thực dân.
Theo ông Oliviera, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là tầm nhìn, nhãn quan chiến lược tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hồ Chí Minh quan niệm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc đấu tranh vũ trang với sự tham gia của toàn thể nhân dân bị áp bức.
Ông Oliviera, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh: “Đấu tranh kháng chiến phải tính đến thế mạnh, thời cơ, điều kiện địa hình, khí hậu và sự đoàn kết của toàn dân. Yếu tố cuối cùng này là cơ bản do lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ý thức chính trị và tổ chức đã trở thành bức tường thép thực sự của dân tộc Việt Nam chống lại kẻ thù”.
Theo ông Oliviera, chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ động viên cho nhiều dân tộc thuộc địa trên thế giới bởi Việt Nam đã thể hiện khả năng của một dân tộc nhỏ bé với vũ khí thô sơ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh đối đầu với một đế quốc thực dân hùng mạnh và được trang bị vũ khí tối tân.
Đề cập tới những thành tựu của Việt Nam trong những năm gần đây, ông Oliviera đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục của nước ta kể từ sau Đổi mới, cũng như những kết quả đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều thay đổi từ một quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê và các mặt hàng nông sản, giờ đây kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển đổi sang các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam nhấn mạnh cuộc cách mạng Việt Nam là minh chứng cho thấy khả năng thích ứng của Việt Nam vào hoàn cảnh thực tế, cụ thể của đất nước và bối cảnh thế giới. Ngày nay, Việt Nam đã và đang thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, chống chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế.