Ngày 28/11, Đoàn đánh giá, chấm điểm công tác quản lý an toàn thực phẩm số 2 của tỉnh (đoàn công tác) đã tiến hành đánh giá phúc tra kết quả tự chấm điểm của UBND của huyện Mường Khương.
Cụ thể, Đoàn công tác đã kiểm tra hồ sơ, sổ sách quản lý của các cơ quan liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm; đánh giá phúc tra kết quả tự chấm điểm năm 2023 của huyện Mường Khương dựa theo bảng điểm kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm được ban hành tại Quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 6/9/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng chấm điểm kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của UBND huyện, thị xã, thành phố.
Toàn huyện Mường Khương hiện có 359 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành y tế quản lý 153 cơ sở, ngành nông nghiệp quản lý 24 cơ sở và Phòng Kinh tế – Hạ tầng quản lý 182 cơ sở.
Điểm tự chấm về công tác an toàn thực phẩm của UBND huyện Mường Khương là 95 điểm, trong đó: điểm đạt 93, điểm thưởng 2 và điểm trừ 7.
Qua kiểm tra, Đoàn công tác đã thống nhất kết quả điểm phúc tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của UBND huyện Mường Khương đạt 93 điểm, trong đó: điểm đạt 91, điểm thưởng 2 và điểm trừ 9.
Nội dung thay đổi bảng điểm tự chấm của UBND huyện Mường Khương về việc không có tài liệu chứng minh về tái kiểm tra 100% cơ sở vi phạm (trừ 2 điểm).
Đoàn công tác đề nghị UBND huyện Mường Khương quan tâm cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm của địa phương; chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh nghiên cứu, sáng kiến về lĩnh vực ATTP; tái kiểm 100% cơ sở vi phạm theo quy định; tập huấn cho cán bộ tuyến xã phụ trách công tác an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp, công thương. Đồng thời, đề nghị ngành nông nghiệp, công thương tăng cường rà soát, nhận diện loại hình cơ sở quản lý theo phân cấp.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã làm việc tại thị trấn Mường Khương.
Thông qua chấm điểm công tác an toàn thực phẩm nhằm từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương và năng lực quản lý an toàn thực phẩm của các đơn vị liên quan. Đồng thời nắm bắt thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai công tác an toàn thực phẩm ở cơ sở để kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành phù hợp thực tiễn.