Những âm thanh trong trẻo, dứt khoát từ quả mắc lính vang lên theo từng nhịp điệu múa Then cổ uyển chuyển, được các bà, các chị say sưa biểu diễn. Bên bếp lửa hồng, trong không gian nhà sàn ấm cúng, bài múa như được kéo dài mãi trong niềm hân hoan của cả người thưởng thức và diễn viên.
Bằng tình yêu, sự tâm huyết với văn hóa truyền thống, chị Hà Thị Minh, xã Võ Lao đã sáng lập ra Câu lạc bộ “Múa Tày truyền thống xã Võ Lao” và đang từng ngày gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc trong đời sống, cộng đồng. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có vài thành viên, chủ yếu là các bà, các chị có cùng đam mê với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Là người có năng khiếu từ nhỏ, cộng thêm tình yêu dân vũ truyền thống nên chị Hà Thị Minh đã dành nhiều thời gian học hỏi, từ đó có kiến thức về múa và biên đạo để hướng dẫn cho các thành viên trong câu lạc bộ. Các điệu múa được chị Minh biên đạo thành nhiều bài khác nhau, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhờ đó, thành viên câu lạc bộ tăng lên từng ngày, đến nay có hơn 30 người đủ các lứa tuổi.
Từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Lủ 4, xã Võ Lao đã được nghe mẹ hát Then, đánh đàn tính. Làn điệu Then du dương, trầm bổng cùng điệu múa lúc dứt khoát, khi uyển chuyển thấm vào tâm hồn bà Hòa từng ngày. 10 tuổi, bà Hòa đã biết múa Then. Điệu múa Then đã theo bà suốt những năm tháng cuộc đời. Đến nay, đã gần 70 tuổi nhưng bà Hòa vẫn tham gia câu lạc bộ “Múa Tày truyền thống xã Võ Lao”. Tỉ mỉ hướng dẫn cho các thành viên trẻ tuổi từng động tác múa, với bà đó là niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời.
Câu lạc bộ múa dân tộc tày xã Võ Lao tổ chức sinh hoạt định kỳ và luyện tập chủ yếu vào buổi tối, hoặc lúc nông nhàn. Dù mỗi thành viên một hoàn cảnh nhưng họ đều có chung mục đích là gìn giữ các điệu múa dân tộc Tày, lan tỏa đam mê đến lớp lớp thế hệ trẻ. Họ tự hào vì bản sắc văn hóa dân tộc mình không những được duy trì mà còn được lan tỏa để lớp trẻ thêm trân trọng, giữ gìn phát huy. Ai cũng mong muốn câu lạc bộ ngày càng phát triển để thu hút nhiều thành viên hơn, để không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu, sẻ chia, mà còn gắn kết, lan tỏa, gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Tày.
Sau hơn 1 năm hoạt động, đến nay, các thành viên câu lạc bộ đã luyện tập được một số điệu múa truyền thống; hầu hết các thành viên đều đã sắm được quả nhạc làm đạo cụ múa. Là thành viên trẻ tuổi nhất trong câu lạc bộ nhưng chị Nguyễn Thị Định, thôn Bất 1 và chị Lương Thị Kiến, thôn Chiềng 2 luôn tham gia đầy đủ các buổi luyện tập, biểu diễn của câu lạc bộ. Theo các chị, việc học múa, nhất là điệu múa cổ rất khó, phải kiên trì và có niềm đam mê. Chính tình yêu dành cho văn hóa dân tộc đã trở thành động lực để các thành viên khắc phục mọi khó khăn, tích cực tham gia luyện tập, biểu diễn.
Ông Doãn Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Võ Lao cho biết: Võ lao hiện có 30 thôn, bản, gần 14 nghìn nhân khẩu, trong đó cộng đồng dân tộc Tày chiếm trên 70%. Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chủ trương được xã đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để các câu lạc bộ ngày càng phát triển.
Không chỉ hướng dẫn múa, câu lạc bộ còn truyền dạy hát nôm cho các thành viên, học sinh các trường học trên địa bàn. Bằng tình yêu với văn hóa dân tộc, các thành viên câu lạc bộ luôn đau đáu và mang trong mình ngọn lửa tiếp nối, gìn giữ để thế hệ sau biết đến nguồn cội, biết đến câu dân ca mà ông cha truyền lại. Một số thành viên cao tuổi trong câu lạc bộ đã tự biên, chỉnh sửa lời các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, các bài hát giao duyên… thành những bài hát nôm say đắm, mượt mà. Nhờ đó, hát Nôm có sức sống bền bỉ trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Tày địa phương.