Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,07 triệu tấn gạo, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch 1,37 tỷ USD, tăng 40%.
Cạnh tranh với các nước xuất khẩu
Theo Cục Trồng trọt, tính đến ngày 31/3/2024, vụ đông xuân 2023-2024 tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống 1,488 triệu ha/1,5 triệu ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được 1,304 triệu ha với năng suất 72,41 tấn/ha, đạt 9,444 triệu tấn lúa. Vụ hè thu 2024 đã xuống giống được 440.000 ha/1,480 triệu ha kế hoạch.
Theo Cục Trồng trọt, tính đến ngày 31/3/2024, vụ đông xuân 2023-2024 tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống 1,488 triệu ha/1,5 triệu ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được 1,304 triệu ha với năng suất 72,41 tấn/ha, đạt 9,444 triệu tấn lúa. Vụ hè thu 2024 đã xuống giống được 440.000 ha/1,480 triệu ha kế hoạch.
Trong điều kiện sản xuất lúa trong nước ổn định và Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam đang kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ tăng cả về sản lượng và kim ngạch.
Theo báo cáo đánh giá tình hình sản xuất ngũ cốc và lương thực trong niên vụ 2023/24 (7/2023 – 6/2024) của Ấn Độ, chính phủ ước tính tổng sản lượng gạo xay xát vào khoảng 123,82 triệu tấn. Con số này thấp hơn khoảng 1% so với niên vụ trước. Tổng sản lượng ngũ cốc niên vụ 2023/24 ước khoảng 309,348 triệu tấn. Mặc dù chính phủ duy trì các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian dài nhưng giá gạo trong nước vẫn tăng liên tục, với giá bán sỉ trong tháng 3/2024 đã tăng gần 19% so với cùng kỳ 2023.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Pakistan…, đòi hỏi phải gia tăng chất lượng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Pakistan…, đòi hỏi phải gia tăng chất lượng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Cụ thể, nguồn tin sơ bộ từ Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này đã xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong quý I/2024, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Thương mại kỳ vọng xuất khẩu gạo cả năm 2024 sẽ đạt được mức 8 triệu tấn, cao hơn mục tiêu 7,5 triệu tấn đề ra ban đầu do lo ngại sản lượng giảm.
Còn theo Cơ quan Thống kê Pakistan, nước này đã xuất khẩu 609.295 tấn gạo các loại trong tháng 2/2024, giảm khoảng 19,03% so với tháng 1/2024 và tăng 10,1% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 đạt 1,362 triệu tấn, tăng khoảng 51,55% so với cùng kỳ năm 2023. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo xuất khẩu gạo của Pakistan trong năm 2024 sẽ đạt mức 4,9 triệu tấn, tăng 8% so với 2023, nhờ tồn kho và nhu cầu thế giới cao do Ấn Độ duy trì các chính sách hạn chế xuất khẩu.
Biến động nhu cầu từ các nước nhập khẩu
Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu cũng có những biến động về sản xuất trong nước và nhu cầu nhập khẩu trong năm 2024. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu gạo cả năm 2024 của Philippines ước khoảng 3,6 triệu tấn, tương đương năm 2023. Hiện Chính phủ Philippines dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ người trồng lúa thông qua các khoản tín dụng ưu đãi; còn nông dân dự định sẽ tăng mức độ sử dụng phân bón và các giống lai tạo để thúc đẩy năng suất. Điều này có thể sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ giảm trong thời gian tới.
Đối với thị trường Indonesia, theo báo cáo ngành hàng ngũ cốc tháng 3/2024 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ năm 2020 đến năm 2022, khối lượng nhập khẩu gạo của nước này tăng đều qua từng năm và duy trì dưới mức 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, từ năm 2023 bước sang 2024, con số này dự kiến sẽ vượt mức 3 triệu tấn do giá gạo tiêu thụ nội địa Indonesia leo thang trong suốt năm 2023 vừa qua, buộc chính phủ phải tăng cường nhập khẩu. Các nguồn cung chính của nước này là Thái Lan, Việt Nam. Tuy nhiên sự cạnh tranh cũng gay gắt hơn khi Pakistan và Myanmar cũng gia tăng thị phần nhanh chóng trong những tháng gần đây tại thị trường này.